Rác thải nhựa ở vịnh Lampung, làng Sukaraja, thành phố Bandar Lampung, Indonesia. Ảnh: AFP

Trong đó, các thành viên ASEAN ngày 5/3 ký Tuyên bố Bangkok để cùng nhau chống lại vấn đề rác thải nhựa đại dương trong khu vực.

Người đứng đầu Cục Tài nguyên biển và bờ biển Thái Lan, ông Jatuporn Buruspat cho hay, Tuyên bố Bangkok sẽ là khuôn khổ hợp tác đầu tiên của ASEAN để giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa trên biển trong khu vực.

“Hội nghị sẽ là sự kiện lịch sử, bởi đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên ASEAN chính thức thảo luận về vấn đề rác thải nhựa trên biển tại một cuộc họp chính thức của ASEAN để cùng nhau tìm ra giải pháp”, ông Jatuporn nhận định.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ các hệ sinh thái biển và phúc lợi của người dân Đông Nam Á, vì khu vực này hứng chịu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển một cách nặng nề. 5 trong số 10 quốc gia thải khối lượng rác thải nhựa ra biển lớn nhất thế giới nằm ở khu vực này.

Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là một vấn đề xuyên biên giới, những biện pháp hợp tác của các quốc gia ASEAN và sự đóng góp từ mỗi quốc gia thành viên là cần thiết để đạt được một giải pháp hiệu quả và bền vững, ông Jatuporn nhấn mạnh.

“Đại diện đến từ các quốc gia quan sát như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân cũng tham gia hội nghị, vì chúng tôi cần sự hợp tác từ mọi bên liên quan để giải quyết vấn đề này”, người đứng đầu Cục Tài nguyên biển và bờ biển Thái Lan lưu ý.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan (PCD) Pralong Dumrongthai cho hay, chính quyền quốc gia này cũng đang tích cực làm việc để giảm lượng rác thải nhựa ra biển.

“Ngay bây giờ, mọi cơ quan liên quan đang hợp tác để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý chất thải ở mọi giai đoạn, từ việc giảm phát thải, thực hiện tái sử dụng và tái chế chuyên sâu hơn, đến nâng cấp hệ thống xử lý chất thải”, ông Pralong nói thêm.

LÊ THẢO

 (Lược dịch từ The Nation & ASEAN2019)