Thuốc lá - Kẻ giết người và giết hành tinh. Ảnh: Khmer Times

Từ lúc hạt giống cây thuốc giá được gieo xuống đất cho đến khi lá khô được gói thành từng điếu thuốc và đốt cháy bởi khoảng 1,1 tỷ người hút thuốc trên thế giới, thuốc lá đã để lại những hậu quả đối với thiên nhiên tồi tệ chưa từng thấy. Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia thuộc Đại học Hoàng Gia London tìm ra một sự thật tàn khốc rằng lượng Carbon mỗi năm ngành công nghiệp thuốc lá thải ra lớn gấp đôi so với con số ghi nhận ở xứ Wales.

“Nếu chúng ta tiếp tục trồng cây thuốc lá để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái môi trường vô cùng nghiêm trọng”,  Vinayak Prasad – Người đứng đầu chương trình kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới nhận định với báo giới Dw cho hay.

Hủy hoại hành tinh

Cụ thể, trồng cây thuốc lá và phơi khô lá của loại cây này đòi hỏi sử dụng nhiều đất, nước, năng lượng, cũng như thuốc trừ sâu và phân bón khiến sông hồ và vùng đất lân cận chịu ô nhiễm nặng, cùng lúc cũng gây suy thoái đất tự nhiên.

Theo nhận định của Sonja von Eichborn – Giám đốc tổ chức phi chính phủ Nói không với thuốc lá Unfairtobacco, đất dùng để trồng cây thuốc lá chịu trách nhiệm cho khoảng 6% diện tích đất rừng bị phá mỗi năm. Nhiều khả năng, con số này sẽ ngày càng tăng trong tương lai. Chỉ riêng Pakistan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hằng năm có đến 27% diện tích đất rừng tự nhiên bị phá hủy để trồng cây thuốc lá. Thêm vào đó, việc vận chuyển và sản xuất thuốc lá cũng là những tác nhân gây nên sự độc hại. Điều này được thể hiện rõ nhất khi một số thống kê cho thấy ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng đến 2,4 triệu tấn giấy và thùng giấy để gói thuốc và đóng gói sản phẩm mỗi năm.

Là một phần trong cấu tạo của điếu thuốc lá, bộ lọc thuốc cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định. Với một số lượng thuốc lá trị giá gần 6 nghìn tỷ được sử dụng mỗi năm, ước tính có khoảng 4,5 nghìn tỷ bị vứt bỏ không đúng quy định và xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho biết, trên thực tế, bộ lọc thuốc lá là loại nhựa sử dụng 1 lần thường xuyên được tìm thấy trong môi trường.

Được làm từ một loại nhựa không phân hủy sinh học, bộ lọc thuốc lá cần khoảng 1 thập kỷ để phân hủy. Trong thời gian đó, mưa, gió có thể cuốn trôi chúng ra sông và biển – nơi chịu trực tiếp các hợp chất độc hại từ bộ lọc thuốc như axit axetic và asen.

Nghị viện châu Âu chỉ ra rằng một điếu thuốc có thể gây nhiễm độc cho 1.000 lít nước với các chất độc hại. Bằng một cách nào đó, những chất độc này sẽ quay ngược trở lại và thâm nhập vào chuỗi thức ăn. Ngoài ra, tàn thuốc luôn đứng đầu danh sách những vật bị xả rác nhiều nhất tại khu vực bờ biển, chiếm 30% - 40% tổng số lượng rác thu dọn mỗi năm.

Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn tàn thuốc, bộ lọc thuốc trôi vào hệ thống thoát nước. Trước tình hình này, Giám đốc Sonja von Eichborn tin rằng ngành công nghiệp thuốc lá cần chịu trách nhiệm cho số lượng rác thải nói trên.

Chạy đua với thời gian

Để giải quyết vấn đề này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhanh chóng yêu cầu ngành công nghiệp thay thế bộ lọc tổng hợp thành các bộ lọc có thể phân hủy sinh học.

Hiện nay, thuốc lá điện tử cũng nổi lên là thiết bị hút thuốc yêu thích của nhiều người. Hiện giới chuyên gia và các nhà lập pháp EU đang xem xét liệu có nên xử lý thuốc lá điện tử như chất thải độc hại hay không.

Tuy nhiên, việc cấp bách nhất lúc này là chạy đua với thời gian để đối phó với tác hại của thuốc lá trước khi tàn thuốc và thuốc lá điện tử cùng bị xả la liệt tại nhiều bãi biển trên khắp thế giới.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)