Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận xét: Tuy mỗi người đảm nhận một công việc khác nhau nhưng các chị đều năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn xa, là những điển hình góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người phụ nữ Việt Nam hiện đại với đầy đủ phẩm chất tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. 

Chị Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt: Đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu

Chị Nguyễn Thị Huệ​

Dám nghĩ, dám làm, nữ giám đốc có dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm này đang có những bước đi vững chắc nhằm đưa sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh mà ở nhiều tỉnh, thành khác.

Chị kể, cách đây 6 năm, khi đang làm trong lĩnh vực thời trang, chị được một người bạn mời làm quản lý cho một dự án về nông sản sạch. Dự án mới nhen nhóm thì bạn chị qua đời và dự án cũng dừng hoạt động. Không bỏ cuộc, chị Huệ tận dụng diện tích đất cạnh nhà làm thí điểm và sau đó một năm chị quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt.

Chị về phường Hương Văn (Hương Trà) thuê 1,5 ha đất để đầu tư sản xuất các sản phẩm hữu cơ, đầu tiên là các loại rau thông dụng hàng ngày với người dân. Tuy có kỹ sư nông nghiệp và áp dụng đúng quy trình sản xuất, nhưng chị Huệ cũng gặp không ít thất bại, chưa kể gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường do người dân chưa hiểu giá trị của sản phẩm hữu cơ...

Để khắc phục khó khăn, chị quay clip về những công đoạn sản xuất của nông trại và vào Đà Nẵng gõ cửa từng cửa hàng kinh doanh sản phẩm hữu cơ để chào hàng. Đặt uy tín và chất lượng lên hàng đầu, sản phẩm đến từ nông trại của chị bắt đầu có chỗ đứng tại thị trường Đà Nẵng. Từ đó, thương hiệu hữu cơ Huế Việt mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành khác trên cả nước trong đó có cả những thị trường khó tính như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trang trại rau hữu cơ của chị Nguyễn Thị Huệ

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Huệ đầu tư thêm nông trại tại xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) và thử sức với nhiều sản phẩm mới như gạo, các loại đậu. Chị cũng đầu tư máy móc sản xuất nhiều sản phẩm mới như: bún gạo lứt, sữa gạo lứt, bột ngũ cốc... Doanh thu mỗi năm của công ty đạt 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện công ty đang hợp tác với Dự án “Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế” của Luxembourg hỗ trợ phát triển các sản phẩm hữu cơ cho hai huyện Quảng Điền và Phú Vang. Công ty của chị cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp với 7 sản phẩm được dán tem truy xuất.

Năm 2018, chị Huệ được nhận Bằng khen của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI. Chia sẻ về phương châm sản xuất kinh doanh, chị Huệ cho biết: “Tôi luôn chú trọng việc hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng. Tôi sẵn sàng từ chối đơn hàng khi sản phẩm chưa đủ chất lượng”.

 Trung tá Bạch Nữ Thanh Hương, Đội trưởng Đội Quản lý nhập cảnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh: Hết mình với nhiệm vụ được giao

Chị Bạch Nữ Thanh Hương​

 Đảm nhận vai trò Đội trưởng Đội Quản lý nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh năm 2016, từ đó đến nay, chị Thanh Hương luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Chị đã phát huy vai trò trách nhiệm trong quản lý và điều hành công tác đội, thực hiện tốt vai trò nêu gương, thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc một cách hiệu quả; đôn đốc cán bộ phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Chị đứng ra đảm nhận công trình “Tuyên truyền và tiếp nhận hồ sơ xuất nhập cảnh”. Theo đó, phòng đã tuyên truyền cho người dân vùng biên giới, ven biển hiểu rõ về pháp luật xuất nhập cảnh; hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thị thực, gia hạn tạm trú; cấp giấy phép vào khu vực biên giới, cấp thẻ tạm trú, thường trú cho dân. “Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi đều cố gắng chuẩn bị những món quà để tặng cho các em học sinh nghèo”, chị Thanh Hương chia sẻ. Từ công trình này, cán bộ trong phòng đã xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi, thân thiện với người dân.  

Là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, chị Thanh Hương khéo léo vận động chị em tham gia thực hành tiết kiệm. Mỗi tháng mỗi chị tiết kiệm chi tiêu, gửi vào hội 1 triệu đồng. Hội dùng toàn bộ số tiền này gửi tiết kiệm lấy lãi để tổ chức các phong trào. Với cách làm này, chị Hương vừa giúp hội viên thực hành tiết kiệm làm theo Bác vừa gây được quỹ để tổ chức các hoạt động cho hội, đồng thời tạo tinh thần đoàn kết trong hội viên.

 Nhằm giúp chị em có thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình, chị Thanh Hương lại vận động hội viên đảm nhận công trình “Vườn rau sạch, an toàn”. Hội thuê đất của Trung tâm Công nghệ sinh học (Đại học Huế) để sản xuất rau sạch. Trên cơ sở được trung tâm hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ chăm sóc, các chị tranh thủ thời gian rảnh để chăm sóc vườn rau sạch. Hiện nay, vườn rau của hội viên phụ nữ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh không chỉ đủ rau sạch cho hội viên mà còn cung cấp cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong phòng.

Từ những việc làm của mình, Trung tá Bạch Nữ Thanh Hương đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen trong các lĩnh vực công tác. Năm 2018, chị được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

NSƯT Phong Thủy (Nguyễn Thị Thủy), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế: Say mê nghệ thuật truyền thống

NSƯT Phong Thủy (Nguyễn Thị Thủy)​

Có năng khiếu từ nhỏ, nên khi bước vào Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật, chị Phong Thủy thích ứng ngay. Vừa học giỏi, chị còn tích cực tham gia các phong trào. Chị là sinh viên đầu tiên của trường được kết nạp Đảng ngay trong trường học. Mang tất cả niềm đam mê nghệ thuật và nhiệt huyết của đảng viên trẻ, chị Phong Thủy tham gia tất cả các loại hình nghệ thuật như: ca múa, ca Huế, tuồng tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế cũng như tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế khi sáp nhập.

Quá trình công tác, chị Phong Thủy nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, như: Huy chương Bạc trong Liên hoan Tuồng truyền thống toàn quốc và giải Vàng trong Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc năm 2011; Huy chương Vàng cho vai diễn Ái Nương trong Tuồng “Máu lửa ngập Thiên Trường” năm 2013. Chị được Nhà nước phong tặng NSƯT năm 2015. Động lực này giúp chị đạt thêm nhiều thành tích trong hoạt động nghệ thuật và gần đây nhất là Huy chương Vàng khi vào vai Hoàng hậu Nam Phương trong vở diễn “Đường đến tuần lễ vàng năm 1945” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc năm 2018 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.

Tại lễ tuyên dương phụ nữ tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh

Chia sẻ về vai diễn này, chị Phong Thủy cho hay: Thông thường một diễn viên tập luyện một vai diễn từ 2 đến 3 tháng, nhưng vì nguyên nhân khách quan tôi đảm nhận vai Nam Phương Hoàng hậu chỉ trước ngày diễn 20 ngày, nên rất áp lực, chưa kể Hoàng hậu Nam Phương là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, có phong thái rất riêng. "Thời điểm đó tôi đã quên ăn, quên ngủ, dành tất cả thời gian để đọc sách, tìm tài liệu liên quan đến nhân vật”, chị cho biết. Hiểu rõ được cốt cách, phong thái của nhân vật, cộng với tài năng diễn xuất của mình, chị Phong Thủy đã làm toát lên được thần thái vừa truyền thống vừa hiện đại của vị hoàng hậu cuối cùng của Triều Nguyễn và chiếm trọn số điểm của ban giám khảo.

Hiện chị Phong Thủy đã tốt nghiệp lớp đạo diễn sự kiện lễ hội Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chị mong muốn sẽ cống hiến nhiều hơn nữa trong lĩnh vực nghệ thuật cung đình mình đã chọn.

Bài, ảnh: Hải Thuận