Cũng may, đây chỉ là lý do khách quan do tiến độ lắp đặt nhà máy chế biến bị chậm và cơ sở sẽ tiến hành thu mua đúng theo cam kết. Đằng sau câu chuyện này là bài học, khi HTX triển khai dự án đã không ký hợp đồng thu mua, giá cả bằng văn bản với đơn vị bao tiêu sản phẩm để làm cơ sở pháp lý mà chỉ thỏa thuận bằng miệng, dựa vào lòng tin với cơ sở chế biến. Đây cũng là một trong những hạn chế trong sản xuất nông sản hàng hóa, khiến không ít nông dân lao đao, thậm chí trắng tay…

Sản xuất nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng không cao, nhưng vẫn là một "trụ cột" quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Không chỉ giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, con số trên 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD của năm 2018 cũng đủ thấy đóng góp và triển vọng to lớn của ngành nông nghiệp.

Tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng thực trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản ở nước ta thời gian qua đang còn nhiều bất cập. Điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại và với rất nhiều loại nông sản. Mới đây nhất, ngày 19/2 vừa qua, Chính phủ phải tổ chức hội nghị để “cứu” ngành lúa gạo khi giá lúa xuống quá thấp, khó tiêu thụ. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, “giải cứu” không phải là biện pháp lâu dài. Vấn đề lâu dài là cung - cầu, gắn sản xuất với tiêu thụ, đầu ra.

Nguyên nhân tình trạng trên được phân tích, chỉ rõ tại rất nhiều diễn đàn. Đó là sản xuất thiếu quy hoạch, chạy theo phong trào; sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường; thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; chất lượng sản phẩm thấp, không truy xuất được nguồn gốc nên không thể vào các kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu…

Tại diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019” được tổ chức ngày 5/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đó là việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; xây dựng các mô hình theo chuỗi; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

Trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, được định hướng sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Nhìn lại quy mô sản xuất, chủng loại nông sản, trước mắt, Thừa Thiên Huế phù hợp tập trung đầu tư phát triển 2 nhóm sản phẩm cấp tỉnh và đặc sản địa phương. Để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, việc cần làm từ cơ sở là đánh giá lại tiềm năng, thế mạnh và lựa chọn các sản phẩm chủ lực phù hợp.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩn (OCOP), với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trong đó, các loại nông thủy sản được nhiều địa phương chọn đưa vào chương trình. Nếu làm tốt, sẽ tạo tiền đề cho việc thay đổi tư duy trong việc tổ chức lại sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và nâng tầm nông sản Việt.

Hoàng Minh