Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019. Như vậy, so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), giá bán lẻ điện bình quân 2019 tương ứng khoảng 1.864,44 đồng/kWh.

Cần cơ quan tư vấn độc lập để đánh giá tác động

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng giá điện tác động đến chỉ số CPI cũng như tăng trưởng GDP ở mức bao nhiêu đã được ngành điện cũng như Bộ Công Thương nêu rõ khi đề xuất tăng giá điện. Tuy nhiên, cần phải có một cơ quan tư vấn độc lập xem xét những yếu tố tác động này, không hoàn toàn nghe báo cáo một chiều từ phía ngành điện.

“Ngành điện cho rằng tác động của đợt tăng giá điện 8,36% đến CPI chỉ khoảng 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%, song tất cả những tính toán này không hề có một cơ quan độc lập nào xem xét, như vậy chưa hoàn toàn thuyết phục”, ông Long nêu rõ.

Giá điện sắp tăng thêm vào cuối tháng 3 này. (Ảnh minh họa: KT)

Theo TS. Ngô Trí Long, không chỉ đánh giá tác động CPI và GDP, Bộ Công Thương còn phải nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng giá điện lên từng ngành hàng, từng lĩnh vực như ngành luyện thép, ngành nhựa, xi măng... phải tính cụ thể bởi điện là chi phí đầu vào nên sẽ ảnh hưởng tới giá đầu ra của sản phẩm. Bởi lẽ, những ngành sử dụng nhiều điện sẽ chịu tác động trực tiếp, còn những ngành khác có thể sẽ chịu tác động gián tiếp. Người tiêu dùng điện sinh hoạt có thể chịu tác động trực tiếp ít nhưng còn chịu tác động gián tiếp do giá cả hàng hóa tăng.

Chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị, việc tăng giá điện với mức trên 8,3% ngay đầu năm đã hợp lý hay chưa, chưa bàn đến, nhưng cách chia bậc giá bán lẻ như hiện nay cần phải điều chỉnh lại để tránh những thiệt thòi cho các hộ sản xuất, tiêu thụ điện lớn cũng như người dân.

Làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Cho rằng việc tăng giá điện chắc chắn sẽ gây sức ép đến tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, điều này kéo theo việc sẽ tạo thêm chi phí cho đời sống của người dân. Đặc biệt, khi Việt Nam đang thời kỳ mở cửa, hội nhập sâu rộng, việc tăng giá điện sẽ khiến các doanh nghiệp bị giảm sức cạnh tranh với các đối thủ trong ASEAN, cũng như trong khối CPTPP.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Do đó, tới đây các doanh nghiệp buộc phải vận dụng tất cả công nghệ tiên tiến với mục tiêu tiết kiệm điện năng ở mức cao nhất để hạn chế tiêu thụ điện. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang làm việc trong giờ thấp điểm. Điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả hoạt động kinh doanh, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, ngành điện khi tăng giá cũng cần phải bàn bạc với doanh nghiệp, không nên đơn phương tăng giá theo những tính toán của riêng ngành điện. Việc tăng giá điện cần phải có kèm theo những hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Người tiêu dùng sẽ phải “gánh”

Khi được hỏi ý kiến về việc tăng giá điện thêm 8,3% vào cuối tháng 3 này, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì điện tăng giá thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào, chi phí sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh.

Ông Ngô Anh Trường, lãnh đạo một công ty sản xuất cửa cường lực ở Hà Nội cho rằng, tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các các đơn vị sử dụng nhiều lao động, nhiều máy móc liên quan đến điện năng như trong ngành sản xuất, chế tạo.

Theo ông Trường, doanh nghiệp có thể sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để bù chi phí giá điện tăng, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào. Và cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải “gánh”. Không chỉ các sản phẩm sản xuất, giá các loại dịch vụ chắc chắn cũng sẽ ăn theo, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn hơn.

Lo cắt giảm chi tiêu

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện sẽ khiến giá thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng theo, khiến chi phí sinh hoạt của người dân thêm khó khăn.

Người dân lo hàng hóa sẽ tăng giá. (Ảnh minh họa)

Bà Trần Thị Thảo ở Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội tỏ ra lo lắng khi biết giá điện sắp tăng thêm bởi ngoài chi phí cho hóa đơn tiền điện hàng tháng “phình” to, bà có thể phải chi nhiều hơn cho sinh hoạt của cả gia đình vì giá thực phẩm, hàng hóa cũng tăng theo giá điện.

Còn chị Nguyễn Thúy Hiền, công nhân công ty Panasonics ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, than thở: "Hiện ở nhà trọ chị phải trả hóa đơn tiền điện hàng tháng tính theo bậc thang, trung bình khoảng 400.000-1 triệu đồng/tháng. Chi phí đó cao so với thu nhập ít ỏi của gia đình, nay giá điện tăng thêm, có lẽ phải giảm tiền ăn của cả gia đình để bù tiền điện”, chị Hiền buồn bã nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho biết: Nếu tính toán đầy đủ các yếu tố đầu vào thì giá điện lần này có thể tăng gần 10%. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã cân đối các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất mức tăng là 8,36%. Việc điều chỉnh giá điện tăng 8,36% đã được tính toán để đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua.

Quan điểm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ trong năm 2019 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm GDP giảm 0,22%, làm CPI tăng thêm 0,29%. Các đợt tăng giá điện trước đây thường là 6% trở lên, lần điều chỉnh gần nhất năm 2017 tăng 6,8%; trước đó, năm 2011 đã tăng hơn 15%.

Theo VOV