Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề chính sách đối với nhà giáo mà cụ thể là lương giáo viên được quy định tại điều 76 của dự thảo luật đã nhận được nhiều ý kiến góp ý theo hướng đảm bảo nhà giáo là nghề có thu nhập cao để giáo viên toàn tâm, toàn ý giảng dạy.

Nhà giáo sẽ là nghề có thu nhập cao trong xã hội (ảnh: Giáo dục Việt Nam).

Một số ý kiến cũng cho rằng, chính sách tiền lương đối với giáo viên cần được tính toán phù hợp để giảm sự chênh lệch giữa giáo viên các bậc học, giáo viên mới vào nghề và giáo viên có thâm niên, đồng thời là động lực để giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.

Hiện nay, thang bảng lương của giáo viên vẫn thực hiện theo quy định chung của nhà nước, áp dụng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, lương giáo viên mới vào nghề bậc trung cấp có hệ số lương là 1,86; bậc cao đẳng có hệ số lương là 2,1 và bậc đại học có hệ số lương là 2,34. Ngoài khoản lương theo hệ số, giáo viên còn được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp thâm niên công tác theo quy định của Chính phủ. Với cách tính lương và phụ cấp này, sau khi đóng các loại tiền bảo hiểm, quỹ... trung bình một giáo viên mới vào nghề chỉ có mức thu nhập trong khoảng trên dưới 3 triệu đồng 1 tháng, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lương chung của các ngành nghề khác.

Chị Lê Thị Luyến, giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội cho biết, với cách tính lương như hiện nay thì thu nhập của nhiều giáo viên mới ra trường quá thấp, không đảm bảo cuộc sống: “Em thấy thì chưa phù hợp. Vì thời gian các bạn làm rất là dài và áp lực trong công việc rất là nhiều, thứ nhất là về phụ huynh, về nhà trường và về học sinh nữa, sự an toàn cho các bạn ấy là hàng đầu. Đa số các giáo viên vẫn có một hướng làm thêm ngoài. Em muốn thêm một công việc ngoài nữa để kiếm thêm thu nhập”.

Việc trả lương giáo viên chủ yếu theo thâm niên công tác, người càng lớn tuổi không chỉ lương cao, phụ cấp ưu đãi cao mà phụ cấp thâm niên cũng cao dẫn đến thu nhập giữa giáo viên công tác lâu năm và giáo viên mới ra trường có sự chênh lệch khá lớn nhưng lại không thể hiện được hiệu quả công việc của các giáo viên.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cách tính lương của ngành sư phạm hiện nay không còn phù hợp và là một trong những nguyên nhân khiến học sinh giỏi không vào ngành sư phạm: “Đãi ngộ cho giáo viên thực sự để người ta sống được bằng đồng lương. Cách trả lương của giáo dục hiện nay hết sức lạc hậu, cứ khoán cho giáo viên là 18-20 giờ, 21 giờ tùy theo cấp học, rồi ai dạy quá cái đó thì mới trả lương thêm cho người ta thì cái đó không đúng.

Hiện nay trong nhà trường có rất nhiều việc mà người giáo viên phải làm và chỉ giáo viên làm thì mới có chất lượng được thì chúng ta không được tính. Ví dụ giáo viên chủ nhiệm chẳng hạn là người giáo dục rất nặng đối với học sinh, mất rất nhiều công sức thì chúng ta chỉ cho 4 tiết, phần lớn giáo viên có dạy hết giờ đâu, thì cuối cùng không được đồng nào”.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến đồng tình về việc tăng lương cho giáo viên theo hướng lương của giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp nhằm góp phần tạo động lực cho giáo viên yên tâm, dành toàn bộ tâm huyết cho việc dạy và học. Tuy vậy, một số ý kiến cũng lo ngại việc xếp thang bảng lương của giáo viên ở mức cao nhất khó trở thành hiện thực nếu chúng ta vẫn giữ cách trả lương, phụ cấp như hiện nay. Lý do là ngân sách khó có thể đảm bảo chi trả, việc trả lương chưa tương xứng với vị trí việc làm và hiệu quả công việc...

Theo tiến sỹ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thu nhập của giáo viên ở các bậc học hiện đang có sự chênh lệch. Giáo viên mầm non và phổ thông đang có mức thu nhập thấp nhất.

Với giáo viên tiểu học ở các thành phố lớn, miền núi thì mức thu nhập đảm bảo cuộc sống. Nhưng giáo viên tiểu học ở vùng nông thôn thì rất thấp: “Theo tôi nghĩ, nếu bây giờ chúng ta tăng lương cơ bản thì những bất cập vẫn xảy ra. Đặc biệt là giáo viên mới ra trường thì mức lương thực sự thảm họa bởi vì đôi khi các bạn ấy than là lương chỉ có 2-3 triệu mà các bạn ấy phải làm rất là nhiều việc. Với một mức lương như thế thì các bạn ấy chắc chắn phải tìm kiếm công việc làm thêm, mà như vậy thì không thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho trẻ em được.

Tôi nghĩ khi chúng ta tăng lương chúng ta cần quyết định là chúng ta cần tăng vị trí nào và làm thế nào để tăng lương không xảy ra mất công bằng chứ không phải chúng ta tăng đều tất cả các vị trí”.

 Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu và giáo viên chính là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục. Nếu lương của nhà giáo được xếp ở mức cao, đảm bảo giáo viên sống được bằng nghề thì giáo viên sẽ yên tâm giảng dạy và học tập nâng cao trình độ, chất lượng và hiệu quả giáo dục sẽ được nâng lên; đồng thời cũng là một nhân tố quan trọng để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

Theo VOV