Theo Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công Thương mới ban hành, tất cả các hoạt động của Kế hoạch sẽ tập trung triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu của Kế hoạch đặt ra là tập trung hỗ trợ tất cả các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định CPTPP. Vận dụng và phát huy có hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế tối thiểu các thách thức của Hiệp định CPTPP trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...

Lộ trình cụ thể trong giai đoạn 1 (năm 2019) sẽ tập trung hoàn tất các công việc liên quan đến ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP; xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc tuyên truyền, giới thiệu các thông tin về Hiệp định CPTPP và các chương cụ thể của Hiệp định; xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về FTA trên cơ sở phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Sứ quán Australia tại Hà Nội.

Năm 2019, các Bộ, ngành sẽ ban hành các văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP.

Nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ Công Thương, đặc biệt là hệ thống thương vụ, trung tâm thông tin, trung tâm xúc tiến thương mại, văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

Xây dựng các chương trình, hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng và dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng

Ở giai đoạn 2 (năm 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035), tiếp tục triển khai các công việc liên quan đến việc sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định CPTPP; triển khai hoạt động tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng vào các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức về Hiệp định CPTPP cho cán bộ Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, bảo vệ môi trường…) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng Đề án cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ phòng vệ thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại...

Bộ Công Thương dự kiến sẽ có 3 nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động của Kế hoạch từ Ngân sách Nhà nước; nguồn tài trợ của các đối tác nước ngoài, tập trung vào các nước phát triển tham gia CPTPP như Canada, Australia, Nhật Bản,... và một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB)...; nguồn kinh phí huy động tài trợ của các các cơ quan truyền hình, báo chí, các viện, trường Đại học...

Theo VOV