Với đặc thù của bộ môn bơi - lặn, việc VĐV vượt qua thành tích bản thân dù chỉ 0,01 giây cũng là một vấn đề

Nhóm môn xã hội hóa: Nâng tính chuyên nghiệp

Về thất bại của nhóm môn xã hội hóa, gồm: Võ cổ truyền, Vovinam, Billiards, có thể lý giải rằng, trên bình diện chung, võ cổ truyền Huế mạnh về quyền tự chọn, còn nội dung đối kháng và quyền bắt buộc lại yếu – ít nhất là tại ĐHTT toàn quốc 2018. Nguyên do việc tiếp cận luật, thể thức chậm so với nhiều tỉnh, thành bạn, dẫn đến bất lợi lúc thượng đài. Nhìn nhận được hạn chế này, võ cổ truyền cần nhanh chóng khắc phục để có thể phát huy thành tích ở những giải đấu tới, cũng như tại những kỳ ĐHTT toàn quốc tiếp theo.

Ở môn Vovinam, tuổi đời còn non trẻ, đồng thời mới phát triển cách đây chừng 3 năm cùng với hạn chế về kinh phí, quy trình tuyển chọn, đào tạo VĐV nên chưa xuất hiện những nhân tố thật sự đủ năng lực tranh chấp huy chương với những tỉnh, thành có tiềm lực và truyền thống.

Nhưng ở môn Billiards lại khác. Nếu không có sự cố ngộ độc thức ăn trong thời gian thi đấu thì việc cơ thủ chủ lực Trần Quốc Vinh có thể giành huy chương tại ĐH không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Nhận định này không phải là “nói sau”, bởi năng lực của tay cơ này đã được chứng minh qua ĐHTT toàn quốc trước đó, cũng như tại các giải đấu đẳng cấp khu vực, quốc tế mà VĐV này tham dự.

Cũng từ câu chuyện của Billiards, nhiều ý kiến cho rằng, với tiềm lực đủ sức tranh tài ở những đấu trường khu vực, quốc tế, đồng thời để tăng tính chuyên nghiệp, ổn định cao, việc thành lập đội tuyển, cũng như “đưa” môn Billiards ra khỏi nhóm môn xã hội hóa và chuyển vào nhóm môn được đầu tư trọng điểm là điều khả dĩ. Trước mắt, có lẽ thuận lợi nhất là giao môn này cho Trung tâm Thể thao tỉnh quản lý, từ đó đơn vị này có cơ sở tham mưu, đề xuất thành lập bộ môn.

Nhóm môn đầu tư trọng điểm: Cần có đánh giá công bằng

Bên cạnh nhóm môn xã hội hóa, 2 môn được đầu tư trọng điểm là bóng đá và bơi – lặn cũng đang nhận được nhiều quan tâm khi trắng tay tại ĐHTT toàn quốc 2018 nói riêng, các giải quốc gia nói chung thời gian gần đây.

Tuy được đầu tư trọng điểm, nhưng nhiều năm nay, thành tích của bóng đá Huế cũng như các tuyến trẻ chưa như kỳ vọng khiến nhiều người có ý kiến, nên chăng đưa bóng đá ra khỏi nhóm môn đầu tư trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư cho môn khác hiệu quả hơn.

Bóng đá là môn thể thao luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ Huế

Đầu tiên phải xác định, trong công tác huấn luyện, đào tạo, Huế không thể so với các trung tâm, như: PVF, Viettel, Sông Lam Nghệ An… Thứ nữa, về công tác tuyển chọn, trong khi những trung tâm nói trên có mạng lưới tuyển trạch viên hùng hậu, tầm bao phủ cả nước (đơn cử như chân sút người Phú Vang -  Nguyễn Hữu Thắng góp mặt trong tuyển U22 Quốc gia thuộc biên chế U11 của Viettel, hay cầu thủ Trần Danh Trung đến từ TX. Hương Trà cũng trưởng thành từ lò đào tạo này) thì phạm vi tuyển chọn của Huế chỉ trên địa bàn tỉnh. Điều này khiến cơ hội chọn lựa nhân tố xuất sắc có độ chênh rất lớn.

Trong thể thao, việc giành thành tích cao ở môn mang tính cá nhân (võ, vật, bơi, điền kinh…) dễ đạt hơn môn mang tính đồng đội (bóng đá, bóng chuyền…). Và ngoài yếu tố thành tích, phong trào lan tỏa mạnh cũng là nhiệm vụ tối cần thiết. Đó cũng là lý giải cho câu hỏi tại sao bóng đá – môn thể thao được người Huế rất quan tâm, nằm trong nhóm môn đầu tư trọng điểm dù thành tích không thật sự nổi bật, ông Lê Ngọc Tư – Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa & Thể thao) - Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá tỉnh, chia sẻ.

Về bơi, lặn, với nhiều nội dung, nhóm tuổi, cự ly, nếu được đầu tư, huấn luyện bài bản, đây là bộ môn (bên cạnh điền kinh) sẽ góp công rất lớn trong việc nâng cao vị trí của thể thao trên bản đồ thành tích. Tuy nhiên, dù mang tính cá nhân nhưng không riêng gì Huế, các VĐV đang phải chịu sự “thống trị” của một số kình ngư đẳng cấp châu lục, như Ánh Viên, Quý Phước, Thanh Phúc… dẫn đến không thể giành thành tích cao khi chạm mặt.

Đó là còn chưa kể, với đặc thù của mình, ngoài việc để có thể vượt qua thành tích bản thân, dù chỉ 0,01 giây cũng là một vấn đề, thì dàn VĐV bơi, lặn trẻ của Huế chưa đúng vào chu kỳ đủ khả năng tranh chấp huy chương trước các đàn anh, đàn chị, mà cần thêm một thời gian nữa mới đủ độ chín cần thiết.

Sau đầu tư là kỳ vọng. Nên chuyện người hâm mộ lo âu, sốt ruột khi những bộ môn nói trên chưa đạt được thành tích như mong muốn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng nên có góc nhìn khách quan, công bằng, từ đó góp phần động viên các bộ môn này có thể “bay cao, bay xa” trong tương lai.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG