Lao động học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Trang bị kỹ năng nghề

Sau nhiều năm vất vả làm công nhân nhà máy gạch, Lê Thị Thanh Nhung (Phú Đa, Phú Vang) quyết định nghỉ việc để đăng ký học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Nhung chia sẻ: “Công việc ở nhà máy gạch quá vất vả nên em quyết định chuyển nghề. Dù đã từng tham gia khóa đào tạo ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng em vẫn đăng ký học thêm cho vững tay nghề. Sau khi kết thúc khóa học, em sẽ xin vào làm tại một doanh nghiệp dệt may ở khu công nghiệp Phú Bài”.

Trở về quê từ Đồng Nai, Thùy Trang (phường Hương Long, TP. Huế) cũng đăng ký học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Trang cho biết, cô chọn nghề may vì thời gian đào tạo ngắn, ra nghề xin được việc làm ngay, thu nhập lại ổn định để trang trải cuộc sống.

Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT với hai nghề chủ lực: may công nghiệp và kỹ thuật chế biến món ăn. Đây là hai nghề xã hội đang có nhu cầu về nhân lực nên LĐ dễ xin việc làm sau khi tốt nghiệp, thời gian đào tạo lại ngắn.

Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, ngoài các lớp học tại trung tâm, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn mở nhiều lớp kỹ thuật chế biến món ăn tại các xã bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, như: Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang). Sau khi tốt nghiệp, hầu hết các học viên đều ứng dụng kiến thức được học vào thực tế cuộc sống, người mở quán ăn, người vào làm ở nhà hàng, người tham gia vào các đội nấu đám cưới, tiệc…

Đào tạo nghề thị trường cần

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trong năm 2018, có 2.659 LĐNT được đào tạo nghề; trong đó, lao động học các nghề nông nghiệp là 423 người, phi nông nghiệp là 1.354 người, riêng các doanh nghiệp đã đào tạo 882 lao động. Dẫu mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn gặp nhiều khó khăn, khó nhất hiện nay vẫn là tuyển sinh.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, đối với những nghề nông nghiệp, người lao động sau khi học xong cũng làm nghề cũ. Khi đời sống kinh tế còn khó khăn, giá cả nông sản thấp nên việc tạo ra sự bứt phá về thu nhập sau khi học nghề vẫn chưa được thể hiện rõ. Với nghề phi nông nghiệp, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển lao động chủ yếu là những nghề thủ công: may mặc, cơ khí… mà không cần nhiều lao động có kỹ năng nghề cao nên phần lớn lao động học ra cũng làm những nghề đơn giản, có việc làm không khó nhưng thu nhập không cao.

Với những công việc giản đơn, chủ sử dụng lao động trả lương cho người đã được đào tạo và chưa qua đào tạo nghề không có nhiều khác biệt nên không khuyến khích được lao động đi học nghề. Nhiều ngành nghề trong xã hội chưa bắt buộc phải qua đào tạo nghề nên chưa tạo ra sức ép phải học nghề đối với LĐNT. Theo điều tra cung - cầu lao động năm 2018, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp chính thức chưa tới 100 ngàn người, số còn lại phần lớn làm việc ở khu vực phi chính thức, trong đó có nhiều ngành nghề không đòi hỏi kỹ năng nghề.

Nhận thức về học nghề của nông dân chưa cao, nhiều LĐNT chưa coi việc được đào tạo nghề là nhu cầu, yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống, vì vậy họ tham gia các khoá học chưa nhiệt tình. Thứ nữa, sự phối hợp của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thông tin về nhu cầu, vị trí tuyển dụng để định hướng nghề nghiệp mà xã hội cần, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề nghiệp của người học, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa tốt. Chưa có sự gắn kết, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi hiệu quả giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trong đào tạo nghề cho lao động nói chung, LĐNT nói riêng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, theo ông Nguyễn Duy Thông, việc đào tạo nghề phải sát với thực tiễn, tránh chạy theo chỉ tiêu mà nên đào tạo những nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động và thị trường lao động để sau đào tạo, lao động phải có việc làm ngay.

Quan tâm đến giải pháp vĩ mô, ông Tuấn cho rằng, điều quan trọng là cơ cấu nền kinh tế phải đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ những ngành cần lao động giản đơn sang những ngành cần lao động có tay nghề, thì công tác đào tạo nghề cho LĐNT sẽ khởi sắc.

Bài, ảnh: MINH HIỀN