Xã hội hóa dịch vụ công là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta từ lâu. Mới đây, Bộ Công Thương đã chuyển thủ tục đăng ký, chứng nhận xuất xứ hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) của doanh nghiệp sang cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.

Nhiều dịch vụ công có thể xã hội hóa chứ không chỉ ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế...

Hơn một tuần - kể từ hôm 01/3 tới nay, nghĩa là thời điểm Bộ Công Thương gửi thông báo tới các doanh nghiệp về việc chuyển thủ tục đăng ký, chứng nhận xuất xứ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) sang cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện - khi các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa sang thị trường Liên minh châu Âu, thị trường Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ - sự kiện ít được công luận quan tâm. Điều mà lẽ ra phải được thông tin mạnh mẽ, với nhiều chiều cạnh.

Nói thế là bởi, thể chế hoá chủ trương của Đảng về “xã hội hóa dịch vụ công”, suốt 20 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các dịch vụ công.

Đáng kể như Nghị quyết số 90 (ban hành ngày 21/8/1997) về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế và văn hoá; Nghị định số 73 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… Đặc biệt, trong các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng nhấn mạnh đến công tác xã hội hóa các dịch vụ công nhằm phát huy cao nhất sự tham gia của các thành phần cũng như nguồn lực trong xã hội.

Thế nhưng, có thể thấy, việc xã hội hóa dịch vụ công mới chỉ được bắt đầu ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… trong khi tiềm năng được chỉ ra trong các ngành kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường… là rất lớn. Và, nếu làm tốt, sẽ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho xã hội mà còn giảm chi ngân sách cho cơ quan Nhà nước, giúp doanh nghiệp và người dân tham gia bình đẳng vào môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Quay trở lại việc chuyển giao thẩm quyền “đăng ký, chứng nhận cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan” mà Liên minh châu Âu và một số thị trường dành cho doanh nghiệp Việt Nam từ Bộ Công Thương - là bộ quản lý ngành sang cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - là một tổ chức phi chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (hôm 01 tháng 3 vừa qua) - có thể được nhìn nhận như là một bước chuyển trong tư duy “xã hội hóa các dịch vụ công”. Từ đây, doanh nghiệp không còn tâm lý “xin - cho” bởi ngành chức năng, mà là sự đồng hành, đi cùng với hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều dịch vụ của các Bộ, ngành  nếu “chia sẻ” bớt cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ sẽ rút ngắn được rất nhiều thủ tục, thời gian vốn bị coi là “phiền hà” cho doanh nghiệp.

Một khi có sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung nguồn lực và vật lực cho các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, tập trung làm tốt cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế…

Điều này còn giúp giảm chi tiêu công từ ngân sách Nhà nước; Cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, tham gia vào các hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Theo VOV