Chỉ cách đây hơn một năm thôi, ai đó đi trên đoạn đường Hải Triều nhìn qua bên kia sông mới thấy hết được sự nhếch nhác của dòng sông An Cựu (đoạn từ cầu An Cựu về đến phường An Đông). Những cột nhà tạm bợ bằng tre, bằng bê tông của người dân đóng ngay xuống dòng sông để dựng lên những ngôi nhà tạm bợ, rách nát; rác thải trôi đầy sông, cỏ dại mọc um tùm, bùn lấp đầy khiến cho cả một đoạn sông gần như đứng im, không chảy, nước sông luôn trong tình trạng đen ngòm, hôi thối khiến cuộc sống người dân sống ở dọc hai con đường Đặng Văn Ngữ và Hải Triều bức xúc.

Sông An Cựu đã lại thông thoáng sau khi được nạo vét, chỉnh trang

Thực hiện chủ trương “Năm Đô thị” của tỉnh, hơn 2 năm qua, TP Huế tập trung nguồn lực với quyết tâm cao nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên. Theo ghi nhận của chúng tôi, cho đến thời điểm này, công tác giải tỏa hộ dân sống dọc sông An Cựu (đường Đặng Văn Ngữ, thành phố Huế) gần như đã hoàn thành. Nhiều hộ dân đã về nơi ở mới và dần ổn định cuộc sống. Công việc vớt rác, nạo vét lòng sông, đóng cọc để xây kè cũng đang được triển khai tấp nập với hệ thống máy xúc, máy đào, xà lan hoạt động nhộn nhịp khiến cho đoạn sông này luôn rộn ràng và sôi động hẳn lên. Không những thế, đường Hải Triều (đoạn thuộc phường An Đông) lâu nay đường hẹp, mặt đường ghồ ghề, hư hỏng nặng trong dịp này cũng đang được mở rộng, nâng cấp, tráng nhựa tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Ông Lê Dũng, ở đường Hải Triều, TP Huế, cho biết: “Tôi sống ở đây mấy mươi năm rồi; trước đây, sông An Cựu chảy qua đoạn đường này luôn trong xanh, sạch sẽ. Chiều mùa hè nào trẻ con ở đây đều xuống sông tắm mát. Thế nhưng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, sông An Cựu trở nên ô nhiễm nặng khiến cho dòng sông đen ngòm và đứng yên. Tưởng chừng dòng sông này đã chết nay thấy thành phố khẩn trương làm như thế, chỉ không lâu nữa thì dòng sông này sẽ hồi sinh trở lại. Điều này, tôi cảm thấy rất vui”. Anh Nguyễn Văn Mười, người dân ở đường Đặng Văn Ngữ cho hay: “Trước giải phóng, gia đình tôi ở quê lên Huế lập nghiệp, song vì không có đất ở nên ra bờ sông An Cựu kiếm đất cất nhà. Ở đây cũng mấy mươi năm rồi, gia đình đông anh chị em, nhà thì chật chội nên đành phải lấn ra sông để làm phòng ngủ. Biết rằng, sống ở đây sẽ gây ảnh hưởng môi trường cho dòng sông, tuy nhiên, nhà nghèo lấy đâu ra tiền để mua đất nơi khác làm nhà. Việc chủ trương của thành phố giải tỏa các hộ dân sống dọc bờ sông như chúng tôi là hoàn toàn hợp lý. Điều này vừa giúp cho người dân có nơi ở mới đàng hoàng hơn; đồng thời giúp trả lại vẻ đẹp vốn có của dòng sông An Cựu”.
Dòng sông An Cựu gần được hồi sinh. Đây là niềm vui rất lớn không chỉ của riêng ai mà của tất cả mọi người dân cố đô này. Hy vọng với quyết tâm và nỗ lực cao của thành phố Huế, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi khi mọi người đi trên đoạn sông này sẽ có những niềm vui và cảm xúc vô tận.
Gia Hân