Mướp đắng thôn Tây Hoàng

Toàn xã Quảng Thái có hơn 15 ha mướp đắng, nhiều vùng mướp đắng được trồng quanh năm. Tuy nhiên, vấn đề chính quyền địa phương trăn trở là tình trạng người dân lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường sản phẩm bấp bênh, không tiêu thụ được hoặc phải bán với giá thấp, ảnh hưởng đến định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Trước khó khăn, được huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng mướp đắng theo quy trình VietGAP. Sau khi tổ chức tập huấn, đào tạo, tham quan các mô hình VietGAP tại các địa phương, các hộ trồng mướp đắng trên địa bàn bắt tay thực hiện.

Theo ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, hiện thôn Tây Hoàng có 104/209 hộ dân tham gia DA với tổng diện tích thực hiện là 15 ha, năng suất ước đạt 12 tấn/ha (5-6 tạ/sào). Dự kiến năm 2019, UBND xã sẽ đầu tư thêm các thiết bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: máy cắt, máy sấy khô để sản xuất trà mướp đắng sấy khô Quảng Thái.

Ông Văn Hùng, thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái chia sẻ: Được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ thuật trồng mướp đắng theo quy trình VietGAP, chúng tôi ghi chép lại quá trình trồng, thời gian cách ly và sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…nhằm đảm bảo an toàn trong trồng và tiêu thụ sản phẩm. Với 3 sào trồng mướp đắng, trung bình sau 2 tháng chăm sóc, gia đình bắt đầu thu hoạch được trên 30 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với cách trồng thông thường nhờ sản phẩm đã được khẳng định về chất lượng.

Theo nhiều hộ trồng mướp đắng, sau khi ứng dụng quy trình VietGAP, sản phẩm mướp đắng có đầu ra ổn định hơn, giá cả cũng cao hơn. Hiện, mướp đắng VietGAP bán được 20.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường.

Ông Bá Nhật ở thôn Tây Hoàng cho biết, do trồng lúa kém hiệu quả, chi phí đầu tư cao nên ông đã chuyển sang trồng mướp đắng theo hướng VietGAP để nâng cao hiệu quả canh tác. Dẫn chúng tôi thăm vườn mướp của gia đình, ông chia sẻ: Để tạo độ màu mỡ cho đất, gia đình chủ yếu sử dụng phân chuồng để bón lót; trồng mướp đắng cần xây dựng các giàn thật cao ráo, giai đoạn mướp ra nhánh thì phải tỉa cành, ngắt lá nhằm tạo sự thông thoáng, giảm sâu bệnh. Vì trồng trên đất cát nên phải tưới nước thường xuyên nhất là mùa khô hạn, khi ra trái phải làm các loại bẫy tự nhiên để hạn chế ong bướm chích hút gây chín trái.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, người dân trồng mướp đắng ở Quảng Thái áp dụng các biện pháp luân canh, tăng vụ hoặc kết hợp trồng với các loại cây trồng khác như thuốc lá, ớt… Các hộ trồng mướp đắng thuộc DA được chính quyền hỗ trợ một phần chi phí giống, phân bón.

Bài, ảnh: THÙY NHUNG - NGUYỄN HẠNH