Ảnh minh họa: The ASEAN Post
Tờ The ASEAN Post dẫn lời nhận định của học giả Jason Thomas cho biết, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên làm nhiều hơn để thúc đẩy quảng bá nền ẩm thực ra toàn cầu thông qua ngoại giao ẩm thực – hay còn gọi là ngoại giao dạ dày và khai thác tiềm năng to lớn mà ẩm thực mang lại.
Việc quảng bá bản sắc, di sản và sự phong phú của một quốc gia thông qua nền ẩm thực của nước này, hoặc thông qua “ngoại giao dạ dày” hiện đang được xem là một chiến lược ngoại giao ngày càng phổ biến của chính phủ các nước.
Trên toàn cầu, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và xu hướng toàn cầu hóa đã chứng kiến khác nhiều người có thu nhập muốn khám phá cái mới. Thị hiếu này đã tạo nên sự mở rộng của những nhà hàng phục vụ ẩm thực địa phương – nơi thực khách có thể dễ dàng đến thưởng thức ẩm thực, đặc sản của các địa phương mà không cần phải đến tận quốc gia đó.
Bên cạnh việc hỗ trợ nâng cao nhận thức về ẩm thực của một quốc gia và văn hóa xung quanh, ngoại giao dạ dày cũng tạo nên nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B) cho cả quốc gia chủ nhà và đất nước tiếp nhận nguồn tài năng đó.
Từ góc độ kinh tế, ngoại giao dạ dày thúc đẩy sản xuất các sản phẩm F&B, chẳng hạn như gia vị và các loại thảo mộc cần thiết để tạo nên hương vị đặc trưng cho các món đặc sản. Ngoài ra, nhiều thị trường mới cũng tạo ra các loại gia vị nêm nếm và những bữa ăn đóng gói sẵn cho các thực khách có nhu cầu trải nghiệm tự chuẩn bị một số món ăn cụ thể tại nhà.
Từ cách thức này, du lịch cũng nhận được một sự thúc đẩy gián tiếp từ ngoại giao dạ dày, đặc biệt là tại các quốc gia có nền ẩm thực phong phú, khác lạ giữa các tiểu bang, địa phương...
Ngoại giao dạy dày ở Đông Nam Á
Thái Lan và Malaysia là hai quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á đã và đang triển khai hợp tác nhằm nỗ lực thúc đẩy ngoại giao dạ dày. Trong đó, Thái Lan nổi lên là đất nước đạt được nhiều thành quả nhất kể từ khi chiến dịch tiên phong Thái Lan toàn cầu được triển khai vào năm 2002. Cụ thể, tại Mỹ, số lượng các nhà hàng Thái tăng lên nhanh chóng, từ 500 cơ sở vào năm 1990 lên thành 5.000 nhà hàng trong thời điểm hiện tại. Trên toàn cầu, con số ước đạt vào khoảng 15.000 nhà hàng. Đây là kết quả có được nhờ sự phối hợp tốt của nhiều cơ quan trong hệ thống chính phủ Thái Lan. Điều này góp phần quan trọng cho sự nở rộ và thành công của các nhà hàng Thái trên toàn thế giới.
Trong lúc đó, Malaysia đã khởi động chiến dịch mang Nhà bếp Malaysia ra thế giới vào năm 2010 nhằm quảng bá ẩm thực nước nhà và các công thức nấu ăn ra toàn thế giới. Đáng chú ý là chiến dịch tập trung chủ yếu vào hai thị trường lớn là Anh và Mỹ.
Được sự hỗ trợ của Cục xúc tiến thương mại Malaysia (MATRADE), chiến dịch được thực hiện bằng cách mời đầu bếp nổi tiếng đến từ Malaysia và nước ngoài xuất hiện tại nhiều chương trình ẩm thực để quảng bá ẩm thực Malaysia.
Châu Á và Đông Nam Á thúc đẩy ngoại giao dạ dày
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều quốc gia Châu Á đầu tư lớn vào ngoại giao dạ dày.
Vào năm 2009, Hàn Quốc đã ra mắt chiến dịch Mang ẩm thực Hàn Quốc ra thế giới với tổng trị giá 77 triệu USD nhằm tăng gấp 4 lần số lượng nhà hàng Hàn Quốc ở nước ngoài và biến các món ăn Hàn Quốc trở thành ẩm thực toàn cầu vào năm 2017.
Ngoài ra, vào năm 2008, Tổ chức phi lợi nhuận các nhà hàng Nhật Bản ở nước ngoài đã mở ra rất nhiều văn phòng tại Bangkok, Thượng Hải, Đài Bắc, Amsterdam, London, Los Angeles và Paris. Ngay sau đó, Nhật Bản đã thành lập một trường dạy nấu ăn tại Anh, cũng như tổ chức rất nhiều hội thảo ở London, Paris và tài trợ cho rất nhiều đầu bếp Nhật Bản tham gia các trường dạy nấu ăn và các hội thảo về ẩm thực trên thế giới.
Đối với các quốc gia ASEAN, diễn đàn ẩm thực ASEAN đầu tiên dự kiến tổ chức tại Thái Lan từ ngày 21-23/3 sắp tới được kỳ vọng sẽ là nền tảng hoàn hảo để các nhà lãnh đạo trong khu vực thảo luận về ngoại giao dạ dày và cách thức khu vực triển khai quảng bá ẩm thực quốc gia hiệu quả.
Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)