Chất lượng không khí ở 95% các thành phố Đông Nam Á vượt quá ngưỡng phơi nhiễm cho phép của WHO. Ảnh: Getty Image

Hà Nội ô nhiễm nhất ASEAN

Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2018 phân tích các thông tin về ô nhiễm không khí từ 3.000 thành phố trên khắp thế giới, với dữ liệu được lấy từ các nguồn giám sát đo lường công cộng và công bố nồng độ bụi mịn PM2.5 theo thời gian thực hoặc gần thời gian thực. Trong khi đó, chỉ có 145 thành phố ở ASEAN có dữ liệu được đưa vào báo cáo. Do vậy, bảng xếp hạng khó có thể phản ánh được chính xác mức độ ô nhiễm giữa các quốc gia.

Đáng chú ý, Hà Nội được phát hiện có chất lượng không khí tồi tệ nhất ở ASEAN trong khi Calamba ở Philippines có không khí sạch nhất. Tuy nhiên, việc thiếu dữ liệu từ Brunei, Lào, Malaysia và Myanmar đã cản trở nỗ lực của các nhà nghiên cứu và là một thực tế đáng lo ngại đối với người dân ở các quốc gia này.

Ông Yeb Sano, Giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á cho rằng, bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc báo cáo và giám sát đầy đủ, các chính quyền địa phương và quốc gia có thể góp phần giúp giải quyết tác động của ô nhiễm không khí.

Mối nguy từ bụi mịn PM2.5

Theo ước tính của WHO, mỗi năm có khoảng 7 triệu người thiệt mạng do tiếp xúc với bụi siêu mịn trong không khí ô nhiễm xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp. Ô nhiễm bụi siêu mịn cũng liên quan đến chức năng nhận thức như bệnh Alzheimer và chứng mất trí. Tất cả những điều này cho thấy, làm cho mọi công dân ASEAN nhận thức được đầy đủ về tác động của nó là cực kỳ quan trọng.

Greenpeace cho rằng, với trẻ em sống ở Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn tăng 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng từ 25% - 30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Rõ ràng, thủ phạm phổ biến là việc đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu và khí đốt) đang trở nên tồi tệ hơn do việc chặt phá rừng của con người. Do đó, các nhà lãnh đạo cần suy nghĩ nghiêm túc về sức khỏe và khí hậu bằng cách xem xét chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời công bố rõ mức độ chất lượng không khí, để có thể thực hiện các bước nhằm giải quyết khủng hoảng sức khỏe và khí hậu này.

Ngoài việc thiết lập các mục tiêu, lộ trình và các kế hoạch hành động để đưa chất lượng không khí về mức chấp nhận được, ASEAN còn phải nỗ lực nhiều hơn để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và xây dựng hệ thống giao thông bền vững. Đồng thời, tăng cường các tiêu chuẩn khí thải cho các nhà máy điện, các ngành công nghiệp, phương tiện giao thông và các nguồn phát thải chính khác cũng sẽ giúp ASEAN có được nguồn không khí sạch hơn.

Tố Quyên

(Lược dịch The ASEAN Post)