“Với 64 triệu người sử dụng internet và 57% dân số có tài khoản mạng xã hội như hiện nay, dự kiến đến năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD”. Nội dung này được ông Đặng Hoàng Hải, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam” ngày 7/3 tại Hà Nội.

Theo ông Hải, hiện nay, doanh thu bán lẻ từ thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt được 8 tỷ USD, khung chính sách cho phát triển kinh tế số (KTS) tại Việt Nam đã có cơ sở khá đầy đủ. Mặc dù vậy, sự phát triển KTS tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải cải thiện để có thể tăng tốc. Đặc biệt, tỷ lệ mua sắm trực tuyến ở Việt Nam khá lớn nhưng thanh toán trực tuyến thấp, thanh toán tiền mặt vẫn được ưa chuộng.

Bên cạnh đó, sự phát triển chưa đồng bộ và tương xứng TMĐT giữa thành phố lớn và các địa phương đang là trở ngại lớn trong phát triển KTS của Việt Nam, nguyên nhân quan trọng là logistics kém phát triển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng chỉ rõ những rào cản hạn chế phát triển KTS ở Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, dù KTS cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại…, nhưng hiện nay, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền KTS.

“Khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng và chuyển đổi công nghệ kém, các vấn đề liên quan đến niềm tin, bảo mật thông tin… đang là những rào cản cần khắc phục để phát triển KTS ở Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng lưu ý.

Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin (Ngân hàng Thế giới nhận định), Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng tốc phát triển KTS cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của mình. Một môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển KTS tại Việt Nam.

Bởi lẽ theo bà Natasha Beschoner, TMĐT tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình. Trong khi KTS không phải chỉ sử dụng internet, quan trọng là lồng ghép áp dụng những dịch vụ số của Chính phủ và doanh nghiệp.

Do vậy, theo bà Natasha Beschoner, Việt Nam cần phải tăng tốc mức độ sử dụng KTS từ cơ quan Chính phủ cho tới doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh kết nối dịch vụ internet, thanh toán số, hệ thống logistics, thúc đẩy giao dịch trực tuyến, dịch vụ thuế là lĩnh vực mà Chính phủ cần quan tâm.

“Làm thế nào để có chính sách cho sử dụng internet băng thông rộng giá hợp lý hơn trên cả nước Việt Nam? Một môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam”, bà Natasha Beschoner nêu giải pháp.

Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thông qua việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các lĩnh vực phát triển thành hiện thực, trong đó có KTS. 

Do đó, ông Ousmane Dione cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường sử dụng các kênh thanh toán số để thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản. Ngoài ra cần hoàn thiện chính sách thúc đẩy bảo mật dữ liệu, an ninh mạng để bảo vệ người dùng. “Các cơ quan Chính phủ cần làm gương nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ số. Một hay 2 Bộ, ngành thực hiện sẽ không thể có nền KTS mà cần sự kết hợp của nhiều Bộ, ngành. KTS cũng là lĩnh vực liên ngành như tài chính, chế tạo, y tế, giáo dục… nên Việt Nam cần tạo ra môi trường thông thoáng, đổi mới, bảo vệ người dùng tốt hơn”, Ousmane Dione chỉ rõ.

Theo VOV