Trong nội dung phát biểu của mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus và chuyên gia nội tiết sinh sản và vô sinh học tại Đại học Michigan - Giám đốc các chương trình quốc tế tại Susan Buffet Foundation Senait Fisseha cho biết, hiện 70% các tổ chức y tế trên toàn cầu đều đứng đầu bởi nam giới. Ngoài ra, phụ nữ làm việc tại các tổ chức này có thu nhập trung bình thấp hơn 15% so với các đồng nghiệp khác giới.

Cần đề cao vai trò của nữ giới trong tiến trình cải thiện sức khỏe cộng đồng. Ảnh: AARP

Đây là những thực tại được đưa ra sau khi Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus và chuyên gia Senait Fisseha có chuyến đi đến Afghanistan và Pakistan, đồng thời tổng hợp và kết luận từ những thông tin được đề cập trong báo cáo Global Health 50/50.

Công nhận những đóng góp của phụ nữ cho sức khỏe cộng đồng, lần đầu tiên người đứng đầu WHO cải tổ nội các với số lượng nhân viên trong hai giới có thể nói là cân bằng. Trong đó, bình đẳng giới đạt được khi nhiều nhân viên nữ được bầu chọn vào các vị trí cấp cao của tổ chức.

Nhìn chung, bình đẳng giới là một vấn đề thực tế, cũng như đạo đức. Có nhiều phụ nữ làm việc trong hệ thống lãnh đạo tạo nên tác động rất tốt trong sự thay đổi của toàn bộ tổ chức, đặc biệt là cải thiện hiệu suất làm việc, tăng cường đổi mới, sáng tạo... Bên cạnh đó, giới cũng được xem là yếu tố xã hội quan trọng trong vấn đề sức khỏe. Định nghĩa về giới khiến bình đẳng giới trong ngành y trở thành một phần cần thiết để tiến đến đạt được mục tiêu “1 tỷ x 3” của WHO: đảm bảo đến năm 2023 sẽ đạt mục tiêu tiếp cận với chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thêm 1 tỷ người, thêm 1 tỷ người được bảo vệ bởi hệ thống cấp cứu về sức khỏe và thêm 1 tỷ người được hưởng trạng thái sức khỏe tốt hơn.

Bình đẳng giới là quan trọng đối với ngành y

Sau những nghiên cứu, điều tra với gần 200 tổ chức, cơ sở y tế, hai vị quan chức khẳng định bình đẳng giới không xuất hiện một cách tự nhiên. Để đạt được điều này, đòi hỏi mỗi tổ chức phải có kế hoạch và định hướng cụ thể. Do đó, tổ chức WHO đã ra mắt chiến lược hợp tác mới, hướng đến sứ mệnh “Không bỏ rơi bất kỳ ai lại phía sau” của Chương trình nghị sự phát triển bền vững. Điều này có nghĩa mỗi cơ quan, bộ phận đều phải chịu trách nhiệm cho việc duy trì bình đẳng giới.

Bên cạnh việc coi bình đẳng giới là ưu tiên quan trọng, WHO cho rằng mục tiêu lớn hơn là hỗ trợ các quốc gia thành viên phục vụ tốt hơn cho những người dân có cuộc sống, sức khỏe và phúc lợi phụ thuộc vào các nỗ lực chung về y tế cộng đồng. Vì vậy, để tăng cường vai trò của giới trong cải thiện sức khỏe cộng đồng, ba ưu tiên bao gồm: Đảm bảo tất cả các chiến lược và nhiệm vụ về sức khỏe đều được lồng ghép với các thông tin phân tích về giới. Nếu không hiểu rõ vai trò của giới trong việc thúc đẩy sức khỏe của con người, chúng ta sẽ không thể đạt được sự tiếp cận đối với sức khỏe toàn cầu phổ quát và công bằng, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và chuyên gia Senait Fisseha khẳng định. Thứ hai, cần thu hẹp khoảng cách quyền lực và khoảng cách về giới trong ngành y bằng cách theo đuổi các chiến lược phát triển thận trọng và có chủ đích nhằm cân bằng sân chơi cho phụ nữ. Cuối cùng, WHO khuyến nghị điều cấp thiết lúc này là tạo nên sự minh bạch và trách nhiệm cao trong các tổ chức y tế, bao gồm cả trong vấn đề bình đẳng giới.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Khmer Times)