Anh Hưng kiểm tra lúa ở xã Phú Thượng

Ra đồng hướng dẫn nông dân xã Phú Diên thực hiện mô hình khảo nghiệm trồng đậu xanh cao sản ĐX 208 (giống từ miền Nam lần đầu được trồng tại Thừa Thiên Huế) trên đất cát ven biển, anh cán bộ khuyến nông Trần Đình Hưng, người trực tiếp tập huấn kỹ thuật cho bà con, có mặt trên ruộng từ rất sớm.

“Sau khi tập huấn kỹ thuật trên lý thuyết, mấy hôm nay, anh Hưng “theo” chúng tôi “bắt tay chỉ việc” cẩn thận từ khâu làm đất, đánh luống, bón phân lót…, làm sao cho đất tơi xốp, sạch cỏ dại; bề rộng luống phải đảm bảo theo quy định chứ không “áng chừng” như tập quán lâu nay; hướng dẫn về mật độ gieo hạt, tuyệt đối không trồng dày như cách làm từ trước đến nay, vì như vậy cây đậu sẽ cho hạt ít… Lần đầu trồng giống đậu xanh mới, có anh Hưng cùng sát cánh ngay trên ruộng, chúng tôi yên tâm”- ông Nguyễn Nam, người dân thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên bộc bạch.

Anh Hưng cho hay, sẽ “bám” quá trình phát triển của cây đậu từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch (từ 60-65 ngày), điều tra các loại sâu bệnh gây hại như sâu xám, giòi đục thân, rệp mềm…, để hướng dẫn nông dân biện pháp ngăn chặn kịp thời, chăm sóc “sức khỏe” từng thời kỳ của cây đậu tốt nhất, để cho thu hoạch cao. Từ đó, nông dân sẽ tin tưởng nhân rộng mô hình trên địa bàn xã, ra các xã khác.   

“Khi triển khai các mô hình khuyến nông về xã như mô hình cánh đồng mẫu lớn; thay thế giống lúa chất lượng cao, "3 giảm 3 tăng"…, sau khi tập huấn về kỹ thuật trên lý thuyết, xuống đồng để hướng dẫn bà con áp dụng trên thực tế, cán bộ khuyến nông phải thường xuyên theo dõi quá trình lúa phát triển, phát hiện sớm mầm mống các loại sâu bệnh, thông báo cho hợp tác xã, nông dân để xử lý về kỹ thuật, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Rong ruổi từ xã này sang xã khác, một mình lặn lội xuống ruộng là “chuyện thường ngày” của tôi và các đồng nghiệp”- anh Hưng chia sẻ.

“Một buổi trưa, vừa về thì thấy anh Hưng đã đứng đợi trên hiên nhà, để báo lúa trên thửa ruộng của gia đình bị bệnh đạo ôn. Vì bệnh đang ở cấp 1, khó nhận biết nên chúng tôi không phát hiện được...”- nông dân Trần Văn Hùng ở xã Phú Mậu bày tỏ.

Vụ đông xuân 2015-2016, HTXNN Phú Mậu 2 trồng khảo nghiệm 10,5 ha giống lúa J02. Nhờ anh Hưng phát hiện sớm bệnh đạo ôn trên lá, HTX, nông dân trên địa bàn kịp thời xử lý nên không ảnh hưởng, đảm bảo thu hoạch năng suất cao.

Vụ hè thu năm 2018, trong quá trình theo dõi, kiểm tra, anh Hưng phát hiện rầy nâu mật độ đang còn thấp tại cánh đồng mẫu 20 ha giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8 của HTXNN Phú Thượng, giúp ngăn chặn thành công rầy nâu hại cục bộ…

“Chúng tôi đánh giá cao thái độ tận tụy, trách nhiệm với công việc, luôn trau dồi học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn của Hưng. Bản thân Hưng nói riêng và các cán bộ khuyến nông là những người đóng góp rất nhiều trong việc giúp nông dân trồng trọt, chăm sóc đúng kỹ thuật, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sâu bệnh, đảm bảo hiệu quả của ngành trồng trọt trên địa bàn”- Ông Đoàn Thao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Vang nhận xét.

Năm 2018, Trần Đình Hưng cùng 3 tác giả khác trong nhóm 4 tác giả đạt giải khuyến khích giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế với công trình “sản xuất giống lúa sạch Đài thơm 8 ở Thừa Thiên Huế”.

Bài, ảnh: Thanh Thảo