Nhờ thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên gắn với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học... mà chất lượng giáo dục, đào tạo kiến thức QP-AN của trung tâm không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra...”.

Sinh viên Trường đại học Kinh tế Huế huấn luyện bắn súng

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi có chuyến thực tế về Trung tâm GDQP-AN, Đại học Huế. Mới đầu giờ, nhưng khu huấn luyện kỹ thuật của trung tâm đã sôi nổi khí thế luyện tập của các sinh viên. Trên các bệ bắn, các “chiến sĩ” sinh viên đang miệt mài luyện tập kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK. Dưới sự hướng dẫn của Trung tá Hoàng Khắc Minh, Phó khoa Quân sự, các sinh viên lần lượt quay vòng đổi tập. Giờ nghỉ giải lao, các “chiến sĩ” vẫn tranh thủ nhờ giáo viên hướng dẫn thêm và tự mình luyện tập cho đến khi thuần thục.

Kết thúc lượt tập trở về vị trí tập trung, “chiến sĩ” Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh viên năm thứ nhất, Trường đại học Kinh tế Huế tỏ ra háo hức với những kiến thức và kỹ năng mà các giáo viên truyền thụ. Em thổ lộ: Huấn luyện về quân sự, nhất là kỹ thuật bắn súng và điều lệnh là nội dung khó và rất vất vả. Tuy nhiên, được các thầy tận tình chỉ bảo, giúp đỡ và uốn nắn từng động tác nên càng ngày chúng em càng tiếp thu tốt hơn. Thông qua học tập tại trung tâm, ngoài việc được trang bị những kiến thức về QP-AN, chúng em còn được trang bị những kỹ năng cơ bản về quân sự, nếp sống kỷ luật, kỷ cương, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GDQP-AN cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên trong tình hình hiện nay, Trung tâm GDQP-AN, Đại học Huế phải giải quyết không ít khó khăn. Trong đó phải kể đến đội ngũ cán bộ, giáo viên của trung tâm phần lớn là sĩ quan biệt phái, kiến thức toàn diện về QP-AN cũng như trình độ, phương pháp, kỹ năng sư phạm... có mặt còn bất cập và chưa đạt chuẩn theo quy định. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập còn chưa đồng bộ...

Cùng với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, Đảng ủy, Ban Giám đốc trung tâm chú trọng đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng, gắn với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, làm cơ sở phục vụ tốt công tác đào tạo, điều hành, sinh hoạt của trung tâm.

Trò chuyện với sinh viên về môn học quân sự ở trung tâm, điều các em trăn trở là nội dung học khó và khô khan, khiến người học dễ nhàm chán. Để khắc phục vấn đề này, Trung tá Ngô Tấn Việt, Trưởng phòng Đào tạo, quản lý sinh viên, Trung tâm GDQP-AN, Đại học Huế chia sẻ kinh nghiệm: "Để tạo hứng thú cho các em khi học bộ môn GDQP-AN, ngoài việc đầu tư nghiên cứu, sưu tầm tài liệu có liên quan để làm sinh động nội dung bài giảng, giáo viên phải “thổi hồn” vào bài giảng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để biên soạn giáo án điện tử, mô phỏng các tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật... Quá trình lên lớp là “tích hợp hóa” các phương pháp dạy - học; kết hợp lên lớp với các hoạt động ngoại khóa như: tham quan hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập của bộ đội; nói chuyện truyền thống, tham gia các hoạt động xã hội... nhằm giúp sinh viên tiếp thu thêm kiến thức từ thực tế, gắn học đi đôi với hành”.

Bài, ảnh: LÊ XUÂN LIỆU