Theo Ủy ban châu Âu, kể từ khi ổ bệnh tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên và có nguy cơ lan rộng tại Cộng hòa Séc tháng 6/2017, Ủy ban châu Âu đã cử các chuyên gia thú y tới hợp tác với chính quyền địa phương nơi xảy ra ổ dịch để áp dụng các biện pháp thú y cần thiết nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Ảnh minh họa: OSU

Theo đó, ngay sau khi xác định nguồn lây bệnh là do lợn rừng, chính quyền địa phương đã khoanh vùng ổ dịch, hạn chế tới mức thấp nhất các hoạt động ra vào khu vực, kèm theo đó là giám sát chặt chẽ và tiêu hủy ngay lập tức lợn rừng bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, Séc cho phép bắn hạ lợn rừng trên diện rộng xung quanh khu vực nơi xảy ra ổ dịch nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi lan ra các khu vực khác. Nhờ các biện pháp này mà virus lây bệnh không phát tán ra bên ngoài và các ổ dịch đã được khống chế thành công.

Số liệu thống kê của Tổ chức thú y thế giới cho thấy đã có tổng cộng 221 con lợn rừng bị chết do virus tả lợn châu Phi trên toàn Cộng hòa Séc kể từ tháng 6/2017-4/2018. Ổ dịch cuối cùng được phát hiện vào tháng 4 năm ngoái. Không có một con lợn nuôi nào bị nhiễm virus lây bệnh.

Ủy ban châu Âu cho rằng mô hình khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi tại Cộng hòa Séc nên được nhân rộng ra các nước nơi dịch chưa được kiểm soát. Tuy nhiên, Ủy ban cũng cảnh báo nguy cơ cao tái phát bệnh này tại Séc khi một số nước xung quanh như Ba Lan vẫn chưa khống chế được dịch.

Theo VOV