Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trò chuyện với hai chuyên gia liên quan đến cây xanh: PGS. TS. Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm – ĐH Huế và ThS. Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh.

Mùa hoa ngô đồng nở, Đại Nội thêm hương sắc. Ảnh: HOÀNG HẢI

Ông, bà nghĩ sao nếu Huế có những con đường hoa đặc trưng?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Tôi rất quan tâm và thích chủ trương xây dựng thành phố bốn mùa hoa của tỉnh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc trồng thêm cây xanh tạo cảnh quan là rất tốt, đặc biệt cây có hoa tại các tuyến đường còn tạo thêm điểm nhấn cho thành phố du lịch như Huế.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Từ lâu, TP. Huế đã có những con đường cây xanh đã đi vào thi ca… Sau này thành phố chỉnh trang đô thị, những con đường được đầu tư mở rộng, như đường Lý Thường Kiệt có cây hoa sò đo cam, đường Đống Đa có cây me tây, hay đường Điện Biên Phủ có cây lát hoa… Theo tôi, cần nhân rộng hơn nữa nhiều tuyến đường được mở rộng, quy hoạch và tiếp tục có sự điều chỉnh một số tuyến đường trung tâm TP. Huế để dần tạo nên từng con đường với những loại hoa đặc trưng.

Nhắc đến loài hoa đặc trưng và dễ trồng ở Huế, hai vị nghĩ ngay đến loài hoa nào?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Hoa sen là loài hoa rất phổ biến và được trồng lâu đời trong hồ ở Đại Nội, cung đình, lăng tẩm. Bên cạnh vẻ đẹp của hoa sen, các sản phẩm về sen Huế cũng rất nổi tiếng. Hiện nay, tỉnh muốn phát triển đặc sản sen Huế và tôi đang tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh về bảo vệ các giống sen Huế nên thấy có thể kết hợp các tuyến đường có hồ để trồng hoa sen.

PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm - ĐH Huế

Tuy nhiên, sen chỉ trồng được vào mùa hè. Do sen Huế hiện nay năng suất thấp nên đa số người dân chuyển sang trồng sen cao sản (ít thơm, màu không đẹp bằng sen Huế nhưng năng suất cao). Chính vì vậy sen Huế chỉ tồn tại ở một số địa điểm như Đại Nội, lăng tẩm rất cần việc bảo tồn và phát triển các giống sen Huế thành loại hoa đặc trưng cho Huế và các đặc sản rất riêng của Huế từ các sản phẩm sen.

Loài cây hoa thứ hai nên trồng là phượng vĩ. Theo tôi, đôi khi người ta không nhớ được tên con đường mà lại nhớ con đường ấy gắn với tên hoa (như đường phượng bay).

Loài hoa nữa là bằng lăng. Hoa này có màu tím là sắc màu đặc trưng của Cố đô Huế. Người ta đã quen gọi màu tím Huế. Tôi nghĩ chọn những loài cây hoa cũng nên gắn với thương hiệu, dấu ấn của mảnh đất miền Hương Ngự.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Hiện nay ở TP. Huế có hơn 60 chủng loại cây bóng mát được trồng đường phố và các công viên, điểm xanh, đa số đều cho hoa, chủ yếu tập trung vào mùa xuân và mùa hè. Nhắc đến Huế không thể không nhắc đến ngô đồng, mai vàng... Đó là những loài hoa quá quen thuộc tạo nên những dấu ấn riêng biệt mà ít nơi nào có được. Ngoài ra có thể kể đến một số cây cho hoa như bằng lăng, phượng đỏ, phượng vàng, sò đo cam, nhội, lim xẹt, muồng xiêm, vàng anh…

Trong thời gian gần đây có một số chủng loại cây có hoa đẹp được du nhập các nơi khác về như: Muồng hoa đào, vông Miến Điện, hoàng yến, chuông vàng, giáng hương… Những cây này để lại được dấu ấn rõ ràng, vừa cho bóng mát, vừa cho hoa rất đẹp, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng ở Huế. Khi có đề án “Huế bốn mùa hoa”, tôi đề nghị quy hoạch một vài tuyến đường để trồng nhân rộng, tạo sự phong phú đa dạng các loài hoa.

Mới đây trên Báo Thừa Thiên Huế, đã có ý kiến trao đổi và đề xuất trồng hoàng mai ở Huế và đề xuất ý tưởng Huế - thành phố hoàng mai. Ông, bà nghĩ sao về điều này?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Hoàng mai là cây hoa khá nổi tiếng của Huế và đã nhiều người biết đến nên việc xây dựng các tuyến đường hay định danh tuyến đường hoàng mai hoặc thành phố hoàng mai không phải không có cơ sở, thậm chí rất hay.

Có hai vấn đề quan trọng khi thực hiện ý tưởng này, đầu tiên là phải tìm đúng giống mai vàng Huế và các cây này phải có độ tuổi nhất định, bởi với hoàng mai không dễ trồng giống cây con mà ra hoa ngay trong một vài năm. Thứ hai, đây là loại cây có giá trị, phải có cách chăm sóc, bảo vệ, tránh mất trộm cây. Tôi nghĩ, một số tuyến đường dọc các công viên trồng hoàng mai thì rất đẹp và nếu thành công, tôi tin mỗi người sẽ định danh đó là những con đường hoàng mai.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Tôi cho rằng ý tưởng này rất hay. Với những ai từng sinh ra, lớn lên ở Huế thì hoàng mai gần như đã trở thành một biểu tượng, gắn liền với đời sống thường ngày. Cây mai trồng ở sân đình, cửa chùa, trồng ở trước sân nhà… tôn nên một vẻ đẹp sang trọng, trở thành thú chơi của người Huế. Vấn đề làm sao đó để có giải pháp biến ý tưởng này thành hiện thực.

Thường người ta lo ngại đến thời tiết khi trồng một loại hoa mới nào đó ở Huế?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Tôi cũng khá lo lắng về vấn đề này. Thực ra để xây dựng bốn mùa hoa không hề đơn giản. Tôi có trao đổi với một số cán bộ, giảng viên khoa lâm nghiệp đô thị ở trường. Ngoài bằng lăng, phượng, có thể trồng những cây nhội, huê, hoa gạo cũng rất đẹp, đây là các loại cây thân gỗ vừa tạo bóng mát, tán lá xanh và hoa sẽ làm các con đường đẹp hơn, không khí trong lành hơn. Song, những loài cây này ra hoa sau tết và mùa mưa không ra hoa.

Trăn trở nhất vẫn là trồng hoa gì vào mùa mưa. Cây thân gỗ thường ra hoa vào mùa xuân hạ. Tôi và nhiều đồng nghiệp từng nghĩ đến các cây thân thảo có thể ra hoa vào mùa mưa. Tuy nhiên, mùa mưa ở Huế thường kéo dài, mưa dầm dề sẽ làm hoa bị thối hỏng. Rất khó có loài hoa nào chống chịu với các đợt mưa kéo dài ở Huế. Theo tôi, cần phải có nghiên cứu kỹ để tuyển chọn loài phù đặc trưng ở Huế vào mùa mưa.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Thời tiết Huế quá khắc nghiệt nên không riêng gì tôi mà ai cũng lo lắng. Để có những chủng loại cây xanh có hoa đẹp, phải mất nhiều thời gian nghiên cứu và thử nghiệm. Thế nhưng, ngoài thời tiết ra còn có những khó khăn nhất định như: ý thức của một số người dân trong việc bảo vệ cây xanh vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng đốt vàng mã ở gốc cây trên vỉa hè, chặt bẻ cây xanh.

Th.S Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh

 

Bên cạnh đó, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ban ngành liên quan đến các công trình hạ tầng như hệ thống cấp thoát nước, viễn thông, điện lực… cũng làm ảnh hưởng đến sự bảo tồn, phát triển của cây.

Với nhiều năm kinh nghiệm của mình trong việc nghiên cứu cây trồng trên địa bàn, theo hai chuyên gia, muốn làm được việc đó, ngoài yếu tố thời tiết, vấn đề con người quan trọng ra sao?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Nhiều năm ở Huế, tôi nhận thấy đơn vị cây xanh Huế đã làm tốt việc trang trí hoa và cây xanh, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên chỉ những nơi công cộng và công viên được trang trí; nếu xây dựng các tuyến đường hoa, họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.

Ngoài thời tiết, vấn đề con người rất quan trọng. Để xây dựng được thành phố bốn mùa hoa ở Huế, việc đầu tiên cần làm là kế hoạch truyền thông về chiến lược phát triển thành phố hoa của Huế để bản thân mỗi người dân nhận thấy trách nhiệm của mình khi sống trong một môi trường đẹp nhiều hoa lá cỏ cây.

Tôi nghĩ, thành phố cần có sự đầu tư và quy hoạch tổng thể để trồng các loại hoa phù hợp với điều kiện thời tiết Huế và nên lấy ý kiến của các nhà khoa học. Nên xây dựng những con đường gắn liền với loài hoa như hiện nay ở một số đường ở Huế đã có.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Con người là yếu tố đầu tiên, tiên quyết khi thực hiện một đề án nào đó. Với đề án “Huế bốn mùa hoa”, tôi cho rằng cần có sự tham gia của các chuyên gia, những người am hiểu, tâm huyết với ngành công viên, cây xanh. Cùng với đó, cần có sự tham gia ủng hộ của người dân.

Nếu thành công, những con đường hoa ấy sẽ đem lại điều gì cho Huế?

PGS. TS. Trần Thị Thu Hà: Tôi tin tưởng, thành công từ những con đường này sẽ làm tăng vẻ đẹp hấp dẫn và quyến rũ của Huế, khi du khách đến Huế sẽ có những ấn tượng đẹp.

ThS. Đặng Ngọc Quý: Trước hết chính người dân sẽ hưởng lợi từ việc này. Huế sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, để lại ấn tượng trong lòng người dân và du khách.

“Hoàng mai là cây hoa khá nổi tiếng của Huế và đã nhiều người biết đến nên việc xây dựng các tuyến đường hay định danh tuyến đường hoàng mai hoặc thành phố hoàng mai không phải không có cơ sở, thậm chí rất hay.

Có hai vấn đề quan trọng khi thực hiện ý tưởng này, đầu tiên là phải tìm đúng giống mai vàng Huế và các cây này phải có độ tuổi nhất định, bởi với hoàng mai không dễ trồng giống cây con mà ra hoa ngay trong một vài năm. Thứ hai, đây là loại cây có giá trị, phải có cách chăm sóc, bảo vệ, tránh mất trộm cây. Tôi nghĩ, một số tuyến đường dọc các công viên trồng hoàng mai thì rất đẹp và nếu thành công, tôi tin mỗi người sẽ định danh đó là những con đường hoàng mai.

PGS. TS. TRẦN THỊ THU HÀ

“Tôi cho rằng ý tưởng này rất hay. Với những ai từng sinh ra, lớn lên ở Huế thì hoàng mai gần như đã trở thành một biểu tượng, gắn liền với đời sống thường ngày. Cây mai trồng ở sân đình, cửa chùa, trồng ở trước sân nhà… tôn nên một vẻ đẹp sang trọng, trở thành thú chơi của người Huế. Vấn đề làm sao đó để có giải pháp biến ý tưởng này thành hiện thực.

THS. ĐẶNG NGỌC QUÝ

PHAN THÀNH - HỮU PHÚC (thực hiện)