Dịch vụ thuyền du lịch chờ khách tại bến Toà Khâm.

Đến ngày, anh em tề tựu ở bến thuyền cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh và xuống thuyền bắt đầu du hành ngược dòng Hương. Sông xanh, gió mát, cảnh sắc đôi bờ nên thơ, thật không có gì tuyệt bằng.

Bạn bè, thầy trò lâu ngày không gặp. Ai cũng tranh nhau nói, tranh nhau… cười. Có điều, máy đẩy của thuyền nổ to quá, nên chuyện trò, tâm sự mà phải nói như… hét, mới nghe được. Tội nhất là thầy chủ nhiệm. Bia, nước ngọt, thức ăn nhẹ được dọn ra, liên hoan bắt đầu. Thầy năm nay đã gần tuổi 80. Sau mấy chục năm mới gặp lại học trò, xúc động quá, thức đêm làm bài thơ tặng lớp. Hôm đó, mở đầu cuộc liên hoan, thầy đứng dậy nói với bầy trò nhỏ năm xưa mấy lời, rồi đọc thơ cho cả lớp nghe. Ai cũng lắng tai, thầy cũng gắng sức. Vậy mà cuối cũng chỉ nghe tiếng được tiếng mất, còn âm thanh chủ đạo vẫn là…tiếng máy nổ. Khổ! Hôm ấy rời thuyền, chia tay, giọng ai như cũng trở nên ồm ồm do phải… “quát tháo” lẫn nhau suốt cả ngày...
 
Thuyền du lịch trên sông Hương sau khi xuất hiện đã nhanh chóng trở thành một dịch vụ ăn khách. Dẫu không còn như thuở hoàng kim ban đầu, nhưng đây vẫn là một dịch vụ sống được. Thuyền nào cũng đầu tư, vẽ rồng họa phượng, trang hoàng nội thất… Nhưng có một nhược điểm lưu cửu chung là máy nổ rất…khiếp. Nhiều người nói đùa, thuyền mà máy nổ còn hơn cả… xe tăng (!??) Thực trạng ấy khiến du khách mệt mỏi mà vô hình chung còn làm tổn thương sự êm đềm của dòng Hương báu vật. Nhiều người đã trực tiếp gợi ý, “đề xuất” cải thiện với các chủ thuyền. Ai cũng gật gù tiếp thu lấy lòng, rồi… để vậy.
 
Tôi có quen một số người chuyên nghề thợ máy, họ bảo, đầu tư để có một chiếc máy khác êm hơn không tốn kém, phức tạp gì nhiều. Chỉ có điều, nhiên liệu từ máy chạy dầu chuyển sang chạy xăng có hơi đắt hơn một tí. Còn nếu không, đầu tư để làm “tiêu âm” cũng đơn giản. Khổ cái, cả đội quân thuyền rồng chưa ai tiên phong, ai cũng muốn tiết kiệm chi phí được chừng nào hay chừng ấy. Thế nên, chất lượng dịch vụ mãi không cải thiện.
 
Đôi lúc vẩn vơ ngồi nghĩ, giả như có một chủ thuyền nào đó tiên phong làm thử, rồi giới thiệu, quảng bá rộng rãi, chắc chắn sẽ đắt hàng và có ưu thế cạnh tranh hơn hẳn. Nếu là một du khách, tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn một chút để được ngắm nhìn, thả hồn cùng sông Hương trên một chiếc thuyền êm ái, hơn là rẻ nhưng phải gồng mình với thứ âm thanh đinh tai nhức óc suốt chuyến hành trình. Tất nhiên, những chủ thuyền đi tiên phong nên được cơ quan quản lý có cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích phù hợp. Chẳng hạn như ưu tiên tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá với khách hàng; ưu tiên để họ được hợp đồng phục vụ các đoàn khách của các cơ quan, đơn vị đến thăm Huế…
 
Chỉ một vài thuyền tiên phong như vậy, tin rằng không lâu sau, các thuyền khác cũng sẽ không “theo” không được.
 
Hiền An