Một buổi tập của các võ sinh Kimura BJJ Huế

Kỹ thuật tự vệ dựa vào tư duy

Ra đời vào những năm đầu thế kỷ 20 ở Brazil từ một bậc thầy môn Judo là Mitsuyo Maeda nên Brazilian Jiu Jitsu (BJJ, hay còn gọi là nhu thuật Brazil) có những đòn thế tương tự nhu thuật là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, Judo chú trọng vào đòn quật còn BJJ sử dụng những chiêu thức chủ yếu khi nằm trên mặt đất và triệt hạ đối phương với đòn siết, khóa và bẻ khớp. "Jiu Jitsu là biện pháp phòng vệ của những người có thể trạng yếu, người già, phụ nữ và bất cứ ai không đủ sức mạnh thể chất. Đây là môn võ đòi hỏi tư duy và xử lý tình huống nhanh nhạy nên người ít hiệu quả với những người nhỏ tuổi”, Chu Minh Tuấn – HLV Judo Trường trung cấp Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh và cũng là người đồng sáng lập võ đường Kimura BBJ Huế (đường Hoàng Quốc Việt), cho biết.

Du nhập vào Việt Nam chưa đến 10 năm, phát triển chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn ở Huế, thời gian mới chỉ tầm 3 năm, tuy nhiên, với những lợi ích thiết thực mà BJJ đem lại, 6 ngày trong tuần, võ đường Kimura BJJ Huế khá sôi động với những âm thanh tập luyện từ những người yêu thích môn võ còn mới mẽ này.

Đỗ Hoàng Lâm (nhiếp ảnh gia), người tham gia từ ngày đầu Kimura BJJ Huế ra mắt cho đến nay, chia sẻ: “Việc làm thế nào kiểm soát được những gì có thể gây ra cho đối phương khi buộc phải lâm vào tình trạng tự vệ, một tiêu chí quan trọng của BJJ, cũng đã giúp tôi kiểm soát hành vi của mình ngày càng chuẩn hơn trong cuộc sống".

Người tập BJJ phải biết kiểm soát sức mạnh, độ nguy hiểm trong từng động tác ra đòn

Cùng có thâm niên gần 3 năm gắn bó, Nguyễn Anh Khoa cho biết: “Đây vừa là môn thể thao vừa là môn giúp những người có thể trạng gầy yếu có thể thoát khỏi sự khống chế từ những đối tượng cao to hơn trong những tình huống bất khả kháng với phương thức tiếp cận, khống chế nhẹ nhàng nhưng hiệu quả cao”.

Ngoài những lý do trên, sự mới lạ và triết lý, quan điểm của BJJ cũng là những yếu tố khiến môn nhu thuật này thu hút một bộ phận thanh niên. “Bên cạnh muốn có sự mới lạ khi bạn bè rất nhiều người tập Karate, Vovinam… thì triết lý, tôn chỉ của BJJ rất phù hợp với quan điểm của em khi không cần nóng vội, ra đòn nhanh, mà chủ yếu biết vận dụng tư duy quan sát, xử lý tình huống theo kiểu “tá lực đả lực” – Võ Văn Long -  môn sinh Kimura BJJ Huế chia sẻ.

Chú trọng võ đạo

Khác những môn võ sử dụng các chiêu thức liên quan tới quyền, cước, BJJ không đòi hỏi tốc độ ra đòn, mà chú trọng tận dụng các sơ hở của đối phương để giành lợi thế và hiệu quả nhất khi tấn công. Bốn tư thế kiểm soát của BJJ bao gồm: đè người từ phía bên cạnh, kiểm soát hoàn toàn khi đè trước mặt, đè từ sau lưng và phòng vệ bằng cách kẹp chân vào hông đối phương. Hai phương pháp tấn công là khóa một bộ phận cơ thể của đối thủ và siết cổ làm nghẹt thở.

“Trong các đòn khóa, BJJ có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các khớp như đầu gối, khuỷu tay, cột sống và mắt cá chân. Tùy vào cấp độ của võ sinh mà họ được sử dụng những đòn thế nguy hiểm tăng dần. Hiện BJJ có 8 cấp độ theo các đai: trắng, xanh, tím, nâu, đen, đỏ đen, đỏ trắng và đỏ”, Ngô Viết Phú, HLV bắn cung Trường trung cấp TDTT tỉnh, người chung tay sáng lập nên võ đường Kimura BBJ Huế thông tin.

Xuất phát từ Judo, kết hợp với quyền thuật của Brazil và những động tác của môn vật để hình thành nên BJJ ngày nay, nếu mới quan sát, có thể nhiều người nhận định, BJJ khó ở những đòn thế bẻ khóa, thoát khóa, hay quăng quật. Nhưng thực tế, khó nhất là điều khiển, kiểm soát được sức mạnh, kỹ thuật, nhịp thở cùng tâm lý bản thân.

“Như những môn võ khác, BJJ cũng đặt tinh thần võ đạo lên hàng đầu khi 90% là đạo đức, còn kỹ thuật chiếm 10% còn lại. Một điểm khác biệt của BJJ là thời gian lên đai rất lâu. Từ đai trắng (nhập môn) để thi lên đai xanh, người tập phải mất 2-3 năm, và phải hướng dẫn được cho những người học sau. Ở những cấp độ tiếp theo, ngoài khả năng thực chiến, khống chế bản thân, kiểm soát sức mạnh, độ nguy hiểm, những yếu tố như định hướng đàn em làm điều thiện, bản thân tham gia các công tác thiện nguyện cũng là yếu tố quyết định để lên đai, HLV Chu Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG