Người dân trong một khu chợ ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc phải mang khẩu trang do không khí ô nhiễm nặng. Ảnh: AFP

Theo các nhà nghiên cứu, 40-80% số ca tử vong là do các cơn đau tim, đột quỵ và những loại bệnh tim mạch khác, được cho là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến khói bụi. Trung bình, các chất ô nhiễm từ phương tiện giao thông, công nghiệp và nông nghiệp làm giảm 2,2 năm tuổi thọ.

"Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí gây ra nhiều ca tử vong hơn so với thuốc lá, một nguyên nhân mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính chịu trách nhiệm cho 7,2 triệu ca tử vong trong năm 2015. Thuốc lá có thể tránh được, nhưng ô nhiễm không khí thì không", ông Thomas Munzel, tác giả nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Trường đại học Mainz ở Đức lưu ý.

Bên cạnh đó, các hạt bụi, điôxít nitơ (NO2), lưu huỳnh điôxit (SO2) và ôzôn (O3) cũng có liên quan đến việc sụt giảm khả năng nhận thức, năng suất lao động và kết quả giáo dục.

Trên toàn thế giới, nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí gây ra 120 trường hợp tử vong/100.000 người mỗi năm. Ở châu Âu, mặc dù việc kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt hơn so với hầu hết các khu vực khác, con số này cao hơn ở mức 133 trường hợp tử vong/100.000 người. Điều này được giải thích bởi sự kết hợp giữa chất lượng không khí kém và dân số dày đặc, dẫn đến việc tiếp xúc cao với ô nhiễm, theo nhà nghiên cứu Jos Lelieveld tại Viện Hóa học Max-Plank ở thành phố Mainz, Đức.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Jakarta Post)