Ngày còn nhỏ, lũ trẻ chúng tôi thường hay thắc mắc sao không thấy ai trồng cây gòn nhưng nó vẫn tự mọc thành từng hàng san sát bên chân đê. Cây gòn chẳng có gì nhiều ngoài quả, hoa không mấy ấn tượng vì chỉ khi có mưa nó mới rụng, còn lá cành đến mùa trái chín cứ trụi lủi, trụi lơ. Những buổi chiều cả xóm thường hay kéo nhau ra hàng cây gòn, sà vào thân gòn, nằm lăn lóc trên cỏ và chơi đùa đến chập tối mới chịu về.

Chúng tôi vít những cành gòn thấp để hái lá rồi vò nát, giã nhuyễn lọc lấy nước cho vào bịch nhựa, cho thêm tí nước rửa chén vào quậy đều. Sau đó đi tìm những nhánh tre non, tuốt hết lá uốn thành một hình tròn nhỏ. Cả đám xúm quanh cái bịch nhựa thay nhau nhúng vào thứ hỗn hợp vừa pha, lần lượt thổi ra từng chiếc bong bóng bay khắp nơi.

Cây gòn ấy vậy mà gắn bó với nhiều trò chơi dân gian của chúng tôi và điển hình là trò chơi trốn tìm. Hầu hết thân cây gòn lúc nào cũng nhẵn nhụi và sạch bóng là nơi để người đi tìm úp mặt vào lúc hô câu thần chú “5...10...”. Người úp mặt vào cây gòn sẽ hít hà mùi của thân cây tươi mát, mùi khen khét của cái nắng tháng ba. Còn những người được chạm vào thân cây sẽ cảm thấy mềm mại, không bị đau tay vì thân gòn xốp, mịn. Chúng tôi còn chơi trò rồng rắn lên mây, nối đuôi nhau vòng qua vòng lại những cây gòn và nghêu ngao hát đồng dao.

Những trái gòn còn xanh lủng lẳng đều bị đám con gái chúng tôi hái xuống làm món chơi đồ hàng. Những trái gòn chín nằm ở gần sẽ được hái, dồn lại và tước vỏ, bỏ hột. Còn những trái gòn chín nằm trên cao trơ trọi giữa trời sẽ nứt ra rồi tách vỏ hẳn, vỏ cũng rơi xuống đất, cây chỉ còn treo những chùm bông trắng tinh. Lúc trời trở gió, từng chùm bông gòn bay xa tít tắp như những đám mây nhỏ trôi lững lờ giữa đồng quê yên ả. Lũ trẻ con đua nhau nhặt bông mang về làm ruột gối, đứa khéo tay thì may sẵn hình con thú rồi nhét bông vào làm đồ chơi. Mấy đứa con trai nghịch ngợm thì làm banh xỉu ném nhau, làm bóng đá, tuy nhẹ nhưng không bị đau chân.

Trong ký ức không thể chỉnh sửa của đám trẻ ngày ấy, được thả diều trên cánh đồng quê, được thấy những chùm bông gòn bay lên không trung là biết bao niềm mong mỏi gửi vào trong đó. Chúng tôi cứ ao ước được bay xa khỏi quê hương như cách những đám bông gòn thoát khỏi lá cành của nó.

Hàng gòn vẫn đứng đấy, trơ trọi giữa chốn đồng quê. Nhưng chẳng còn thấy mấy đứa trẻ con chơi đùa râm ran ở đấy nữa. Những bài hát đồng dao và những trò chơi ngày xưa cũng dần dần đi vào dĩ vãng. Bọn nhỏ ngày nay được tiếp xúc với công nghệ hiện đại, bận rộn chuyện học hành nên chẳng quan tâm cây gòn tuổi thơ.

Cuộc sống đã đổi thay nhiều, chỉ có cây gòn vẫn vậy, vẫn tiếp nối mùa này sang mùa khác cho ra những chùm bông gòn tuyết trắng tinh khôi, để cho những đứa trẻ ngày ấy luôn hoài niệm, khắc khoải đến ngày được bay về lại quê hương.

LÂM TRÚC