Lễ phục triều Nguyễn buổi giao thời

Lễ phục ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là môi trường cảnh quan, di sản lịch sử văn hóa đặc thù Cố đô Huế, như càng tôn vinh, khẳng định nét đẹp đặc trưng của nữ phục, nam phục trong nhà trường hay công sở, du lịch, tôn giáo tín ngưỡng. Nhờ đó, Huế thực sự là một phim trường, kịch trường, ảnh trường độc đáo cho chính người dân Huế và nhất là đối với khách du lịch, với nhiều ấn tượng sâu đậm khó quên.

Sức hút tạo nên sức sống cho một điểm đến du lịch là những nét khác biệt, hơn hẳn những nơi khác thông qua việc “bán” những sản phẩm du lịch, để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của du khách trong tham quan, thưởng thức nghe nhìn và ăn uống, trải nghiệm, mua sắm. Chỉ riêng việc đáp ứng nhu cầu lễ phục đa dạng của du khách, rõ ràng vấn đề này hiện chưa được chú ý khi Huế vẫn còn thiếu vắng những địa chỉ trong vai trò là một trung tâm lễ phục truyền thống đa chức năng. Nhiều người sẽ rất lúng túng khi phải đáp ứng nhu cầu đa dạng, khắt khe của du khách về vấn đề lễ phục truyền thống: tham quan, mua sắm, trải nghiệm ở đâu, phương thức nào, chất lượng và mẫu mã ra sao, thời gian bao lâu..., dù với họ, giá cả là không thành vấn đề.

Những nhà may áo dài truyền thống ở Huế hiện nằm rải rác, với quy mô và phương thức, tác phong hoạt động đơn lẻ. Hội An trước đã thành công ở khâu dịch vụ này. Họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách từ đơn giản tới xa xỉ, chỉ trong thời gian rất ngắn, đúng hẹn với thiện chí và tác phong lịch lãm. Từ năm 1937, hiệu may áo dài Le Mur ở Hà Nội lớn nhất Bắc kỳ của họa sĩ Cát Tường còn có gian trưng bày cả ngàn chiếc áo dài hàng mẫu may sẵn, đủ màu sắc, kiểu dáng, chất liệu... để khách hàng mặc thử trước khi quyết định chọn may. Le Mur có sức lan tỏa khắp nơi nhờ bàn tay tài hoa của ông và óc thẩm mỹ, chuyên gia tư vấn sâu sắc, lịch lãm của bà Cát Tường Nguyễn Thị Nội. Nhờ vậy, trào lưu y phục tân thời dành riêng cho nữ giới càng có sức sống trong xã hội và Le Mur đã góp phần hoàn thiện bộ trang phục nữ giới, như: nón Le Mur, áo lót phụ nữ với chất liệu, kích cỡ, thiết kế và giá cả phù hợp...

Năm 1935, ông còn tổ chức chuyến quảng bá xuyên Việt để giới thiệu rộng rãi Le Mur đến với phụ nữ cả nước, khuyến khích và đẩy mạnh phong trào mặc áo dài tân thời của quý bà, quý cô. Đặc biệt tại Huế, ông ở lại khá lâu, gặp gỡ nhiều bậc tôn nữ hưởng ứng Le Mur, như bà Công Tằng Tôn Nữ Trinh Diêu - người từng được nhiếp ảnh gia Võ An Ninh thực hiện nhiều ảnh nghệ thuật với trang phục các dân tộc thiểu số. Nhờ đó, họa sĩ Cát Tường được giới thiệu vô Nội, gặp gỡ và thiết kế, may cho hoàng hậu Nam Phương cả một tủ áo dài tân thời.

Nói vậy để trở lại câu chuyện, tại sao ở Huế hiện thiếu vắng một trung tâm lễ phục truyền thống như một tổ hợp đa chức năng, địa chỉ quảng bá giới thiệu di sản văn hóa đặc trưng này thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang nhiều lợi thế so sánh? Khi vượt qua nhu cầu cơm áo vật chất đời thường thì khát vọng khám phá, tiêu dùng và mua sắm sẽ đến ngưỡng cao hơn, thậm chí có phần xa xỉ. Dị biệt hóa sản phẩm là phương cách biết khai thác những nét riêng, tạo thành một sản phẩm mà ít, hoặc không nơi nào/ai có được. Trong đó, sang trọng hóa sản phẩm từ sức sống cội nguồn lịch sử văn hóa cung đình - quý tộc thượng lưu xứ Huế và phương thức, chiến lược truyền thông sang trọng cho sản phẩm đó là hướng đi khả dĩ và rất hữu hiệu, gắn liền với việc phát triển những “thượng phẩm” mang lại lợi nhuận cao, tránh tình trạng tầm thường hóa sản phẩm, thành những “thường phẩm”. Áo dài và rộng hơn là lễ phục truyền thống Huế, phải là những thượng phẩm, kết tinh từ những “bàn tay vàng”, với kiểu cách, họa tiết, chất liệu sang trọng, công phu... của một trung tâm lễ phục truyền thống tin cậy.

Trung tâm này đáp ứng được nhu cầu nhiều mặt của du khách: Tham quan không gian trưng bày, mua sắm - thực hành - trải nghiệm - học nghề ở một trung tâm lễ phục truyền thống Huế đáng tin cậy, kể cả trong thời gian ngắn nhất, với đòi hỏi khắt khe về kiểu dáng, chất liệu..., và đương nhiên, lại liên quan tới giá cả, có thể rất cao. Tất cả, đảm bảo cho khách hàng có được sự yên tâm và hài lòng. Trung tâm này được cấu thành từ nhiều không gian, tạo thành một tổ hợp đa chức năng, như: lễ tân, bảo tàng, trưng bày, giới thiệu, sản xuất và mua bán sản phẩm (với nhiều mẫu lễ phục, kể cả Album, 3D, video, với các chuyên gia tư vấn tâm huyết, chuyên nghiệp).

Xã hội hóa là phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp tư nhân yên tâm, có điều kiện đầu tư xây dựng nên những không gian, địa chỉ văn hóa du lịch như trung tâm lễ phục truyền thống Huế. Năng động, hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tụ hội những bàn tay vàng của các nghệ nhân, nghệ sĩ để phát huy giá trị, đưa di sản văn hóa lễ phục truyền thống Huế thành sản phẩm du lịch độc đáo và đặc trưng.

TRẦN ĐÌNH HẰNG