Tiêu độc tại điểm chốt

Tăng cường chốt chặn

Theo nhận định của ngành chức năng, dịch bệnh đang có xu hướng di chuyển dần về phía Nam nên nguy cơ bệnh bùng phát trên địa bàn rất lớn. Các giải pháp được tăng cường như: Tập trung vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoặc hóa chất; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển, người ra vào cơ sở chăn nuôi theo qui trình kỹ thuật chăn nuôi và vệ sinh phòng dịch.

Chi cục Chăn nuôi và thú y, các cơ quan liên quan, các huyện cũng tăng cường các điểm chốt chặn, giám sát chặt, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc qua địa bàn. Quá trình chốt chặn, đội ngũ thú y tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm đối với lợn có dấu hiệu bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ.

Tại vị trí Chốt kiểm dịch động vật trên QL1A thuộc địa phận xã Phong Thu (huyện Phong Điền) ghi nhận từ 0h đến 11h ngày 14/3 có 33 xe vận chuyển động vật qua trạm. Riêng thời gian giao ca mới từ 8h đến 11h chỉ có 2 xe đi qua trạm trong đó có 1 xe lợn.

Cán bộ kiểm dịch tại đây cho biết, xe vận chuyển động vật qua trạm chủ yếu vào thời điểm đêm tối tập trung từ 2h đến 4h sáng. Cán bộ thú y tại trạm phải thay phiên nhau túc trực 24/24.

Ông  Lê Thành Chuân, cán bộ thú y tại chốt kiểm dịch động vật phía Bắc (Phong Điền) thông tin, đây là trạm kiểm dịch quan trọng nhất để kiểm soát gia súc, gia cầm từ các tỉnh phía Bắc nhập vào tỉnh hoặc "quá cảnh" đi các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Nam. Mỗi ngày, tại trạm có khoảng 15 đến 20 xe tải chở lợn sống ở các tỉnh phía Bắc đi qua khu vực. Tuy nhiên, thời điểm gần đây, số lượng xe lợn đi qua địa bàn giảm khá lớn, chủ yếu là xe vận chuyển gia cầm. Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, lực lượng thú y thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông, quản lý thị trường tuần tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật vào.

Tại chốt kiểm dịch Phú Lộc, lực lượng thú y cũng tiến hành chốt chặn cùng với lực lượng công an, quản lý thị trường. Ngoài kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh trên gia súc, gia cầm ra, vào tỉnh. Cán bộ thú y tại chốt cũng tiến hành khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

 Sát trùng đàn lợn nhập

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới chưa có trạm kiểm soát tuy nhiên lực lượng thú y, phối hợp với công an, bộ đội biên phòng và huyện A Lưới cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bám các tuyến đường qua địa bàn tỉnh. Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và thú y đây là tuyến đường đèo rất nguy hiểm nên phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm rất hạn chế đi qua.

Kiểm soát giết mổ

Ngoài các trạm kiểm dịch, các lò mổ cũng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra lợn nhập. Lợn trước khi vào lò mổ đều có cán bộ kiểm tra lâm sàng, kiểm tra các thủ tục giấy tờ liên quan; tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2 đến 4 xe chở với khoảng 200 đến 300 con lợn nhập lợn vào địa bàn..

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn chỉ có lò mổ Bãi Dâu có sử dụng lợn nhập từ các tỉnh thành khác. Vì thế, công tác kiểm tra tại đây những ngày này luôn được tập trung cao độ. Tại đây, mỗi ngày đều có 6 cán bộ thú y trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động nhập và giết mổ.

 Tiêu độc toàn bộ khu vực giết mổ

Theo cán bộ thú y theo dõi tại khu giết mổ này, trước đây lò mổ nhận mỗi ngày gần 600 con lợn, tuy nhiên thời điểm gần đây mỗi ngày chỉ mổ dưới 300 con. Trong quá trình giết mổ, các cán bộ thú y tiến hành kiểm tra toàn bộ thân thịt, kiểm tra đầu lòng, các hạch mạch huyết để phát hiệu các dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm hoặc các vết bầm, vết xuất huyết trong quá trình vận chuyển. Với quy trình kiểm soát chặt có thể loại trừ được các trường hợp lợn mắc bệnh, thương tổn để tách ra xử lý riêng. Sau khi kiểm tra xong, các thân thịt nào đạt yêu cầu sẽ được cán bộ thú y đóng dấu kiểm soát giết mổ và đưa thịt lợn về các chợ.

Trong quá trình giết mổ, vận chuyển lợn, giao ca đều được lực lượng thú y tiến hành tiêu độc trong và ngoài khu vực giết mổ.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không lây lan qua người. Tuy nhiên, trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi đang lây lan mạnh tại các tỉnh phía Bắc nên nguy cơ về lây nhiễm cho đàn lợn còn sống là rất lớn. Vì vậy, hiện các cán bộ liên ngành đang kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra từ các cửa ngõ, lò mổ đến các chợ. Ngoài ra, các địa phương hiện đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành lập các chốt linh động nên công tác kiểm soát lợn nhập vào địa bàn đang được cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ.

Bài, ảnh: Hoàng Loan