Dệt thổ cẩm A Lưới sẽ tham gia Festival NTTH 2019

Nhiều đơn vị, cơ sở nghề, làng nghề nổi tiếng như: dệt lụa Hà Đông, gốm sứ Bát Tràng, dệt tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận (Hà Nội); làng lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng), dệt thổ cẩm (Hòa Bình); gốm Phước Tích, mỹ nghệ Trường Tiền, kim hoàn Duy Mong, pháp lam Cung đình Huế, hoa giấy Thanh Tiên, dệt zèng A Lưới… sẽ có mặt tại lễ hội.

Cơ hội quảng bá, tiêu thụ 

Là cơ sở chuyên sản xuất tranh gò đồng từ nguyên liệu đồng thau nhập khẩu từ Đức phục vụ khách hàng trang trí và làm quà tặng, tham gia Festival NTTH 2019, cơ sở tranh gò đồng Đại Nghĩa (598 Lê Duẩn, TP. Huế) sẽ “trình làng” các sản phẩm quà tặng, lưu niệm làm từ các nguyên liệu thân thiện môi trường, như tre và vỏ dừa.

Chủ cơ sở, ông Nguyễn Đại Nghĩa cho biết, Festival NTTH là cơ hội tiêu thụ hàng lưu niệm và quà tặng vì số lượng khách du lịch đến Huế rất đông, nhu cầu mua sản phẩm làm quà tặng khá lớn. Để đáp ứng nhu cầu của khách, từ đầu năm 2019 cơ sở huy động nhân lực, chuẩn bị nguyên liệu gia công khoảng 2 triệu sản phẩm, bao gồm các loại bông tai, dây chuyền, tượng, cài áo và các loại trang sức nữ.

Cùng với hàng quà tặng, Festival NTTH 2019, cơ sở sẽ mang đến khoảng 200 bức tranh gò đồng với nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó mức giá niêm yết dao động từ vài trăm ngàn - 10 triệu đồng/bức.

Theo nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên, Festival NTTH 2019 không chỉ là cơ hội quảng bá sản phẩm, giới thiệu thương hiệu đến với du khách mà còn là dịp để cơ sở ký kết nhiều hợp đồng giá trị. Qua các kỳ festival, hiện sản phẩm tre mỹ nghệ mang thương hiệu Ngọc Tuyên đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Mỹ, giúp cơ sở bảo tồn nghề truyền thống và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Chuẩn bị “trình làng” tại Festival NTTH 2019, ngoài các sản phẩm truyền thống như lọng, tán, bê, tích…, hiện cơ sở đang tập trung sản xuất các sản phẩm tre mỹ nghệ có kích thước nhỏ để du khách dễ dàng vận chuyển đi xa, như các loại đèn trang trí, tháp Linh Mụ, chùa Một Cột, thuyền nan bằng chất liệu tre. Đây là những mẫu thiết kế mới nên hy vọng sẽ góp phần tạo sự phong phú và đa dạng.

Ngay từ đầu tháng 2/2019, gần 50 thợ dệt ở khắp nơi trên địa bàn huyện A Lưới tập trung về HTX dệt zèng A Lưới để sản xuất hàng hóa, chuẩn bị mang về Huế trưng bày và thao diễn nghề.

Theo nghệ nhân Mai Thị Hợp, dệt zèng A Lưới phát triển và tiêu thụ mạnh một phần nhờ vào các kỳ festival nghề. Tại đây, các sản phẩm được dệt từ vải zèng như khăn quàng, túi xách, áo quần, váy, mũ… được khách du lịch và các đối tác biết đến nên đơn đặt hàng ngày càng tăng. Các cơ sở dệt zèng ký kết nhiều hợp đồng giá trị để cung cấp hàng hóa cho các tỉnh, thành trong cả nước.

“Để đảm bảo đủ số lượng hàng hóa tham gia trưng bày tại Festival NTTH 2019, cơ sở đang huy động 40 chị em tham gia dệt các sản phẩm từ vải zèng. Năm nay, ngoài các sản phẩm truyền thống, HTX sản xuất thêm các sản phẩm zèng mỹ nghệ như dây chuyền, túi xách mini, cài tóc và các sản phẩm áo dài cách tân bằng vải zèng”, Chủ nhiệm HTX Dệt zèng A Lưới Mai Thị Hợp nói.

Thu hút trên 50 cơ sở nghề, làng nghề 

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế cho biết: Festival NTTH đã trở thành hoạt động du lịch đặc trưng của Huế. Sự trưởng thành của lễ hội này thể hiện không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Festival NTTH 2019 tiếp tục có sự tham gia từ các thành phố của Hàn Quốc, Nhật Bản như Gyeongju, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ truyền thống Hàn Quốc, Saijo Nhật Bản… Qua đó, sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo như sản phẩm nghề Yugi, sản phẩm hàng gia dụng làm từ giấy Hanji, sản phẩm nhuộm tự nhiên Hanbok (Hàn Quốc), nghề làm giấy truyền thống, gốm sứ, đồ thủ công gỗ của Nhật Bản…

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Đăng Thạnh nhấn mạnh: Festival NTTH 2019 sẽ chú trọng công tác quảng bá, đầu tư biển hiệu của các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống Huế, đồng thời đề xuất có trang phục đồng bộ cho các nghệ nhân, như: với nam giới là áo dài khăn đóng màu xanh, nữ giới là áo dài tím và mong muốn các nghệ nhân tái hiện nhiều hơn các không gian xưa, không gian cung đình…

Festival không chỉ là dịp để trưng bày và quảng bá sản phẩm làng nghề, mà còn là cơ hội để các nghệ nhân, thợ thủ công Huế phát huy tài năng, trao đổi kinh nghiệm với các làng nghề trong cả nước và ký kết nhiều hợp đồng kinh tế.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG