Tập huấn các kỹ năng cho giáo viên tổng phụ trách đội

80%

Toàn tỉnh có 345 giáo viên làm tổng phụ trách đội, trong đó có đến 80% các đơn vị phân bố tiết dạy hợp lý và đảm bảo các chế độ chính sách đúng quy định cho đội ngũ này. Nghĩa là, các trường tiểu học và trung học cơ sở được biên chế 1 giáo viên làm tổng phụ trách đội. Giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần. Đối với trường loại 1 thì tổng phụ trách đội không phải dạy, trường loại 2 dạy 1/3 số tiết, trường loại 3 dạy 1/2 số tiết. Thế nên, họ có nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Ngày nay, nhu cầu của học sinh rất cao khi các em muốn tạo niềm tin bằng cách luôn tự khẳng định mình. Các trò chơi ngoài việc giúp trẻ giải trí, còn phải mang tính giáo dục cao. Phải thường xuyên đổi mới về hình thức lẫn nội dung, phương pháp cách thức tổ chức để phát hiện năng khiếu của các em, từ đó có hướng bồi dưỡng, chăm lo, tạo điều kiện cho các em phát triển. Thế nên, giáo viên tổng phụ trách đội phải có trình độ, kiến thức khá toàn diện. Một giáo viên nhiệt tình, yêu trẻ vẫn chưa đủ để làm phụ trách. Tâm lý học, giáo dục học, xã hội học... là những kiến thức nền tảng chắc chắn giúp người tổng phụ trách hiểu được trẻ, để từ đó định hướng từ suy nghĩ đến hành động cho các em một cách đúng đắn.

Giáo viên làm tổng phụ trách đội phải hội tụ nhiều yếu tố. Ngoài lòng say mê, họ phải có “khiếu” ăn nói trước đám đông, biết điều khiển và tổ chức các trò chơi, biết giáo dục, giúp đỡ những học sinh cá biệt... Họ còn là người thiết kế, tổ chức mọi hoạt động của học sinh trong trường học nên thời gian khá bận rộn. Thậm chí, họ phải túc trực cả ngày trong trường, quản lý 15 phút đầu giờ.

Tổng phụ trách đội Trường THCS Phú Bài (thị xã Hương Thuỷ) Hồ Viết Nguyện kể: “Tôi thường tổ chức múa dân vũ nhằm tạo sự mới mẻ, vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi của các em đội viên. Tôi cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, mời các nhân chứng sống để nói chuyện cho các em về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để giáo dục tình yêu biển đảo”.

Nhiệt huyết và đam mê

Nhiều giáo viên tổng phụ trách đội là nữ trải lòng, lắm lúc họ không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Thứ bảy hay chủ nhật cũng bận rộn, nhất là vào những kỳ thi phải đầu tư, tập luyện, thi thố, về đến nhà thì con đã ngủ. “Làm công tác đội đòi hỏi nhiệt huyết, đam mê và có sự hậu thuẫn từ gia đình thì mới làm tròn vai được”. Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhi, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Thế Lân (Quảng Phước, Quảng Điền), người đoạt quán quân trong Hội thi tổng phụ trách đội cấp tỉnh năm 2018, chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu làm tổng phụ trách đội, thầy giáo Phạm Văn Vũ, Trường THCS Hương Lâm (A Lưới), bùi ngùi: “Tôi được phân công dạy công nghệ và kỹ thuật, sau đó, được bố trí làm tổng phụ trách đội. Thực tình, lúc đó tôi không hiểu gì nhiều về công tác đội. Khó khăn hơn khi các em đều là học sinh các dân tộc thiểu số, ngại tiếp xúc. Tôi đã học tiếng dân tộc để hiểu tâm tư, tình cảm của các em hơn. Mỗi khi tổ chức các phong trào, như: chỉ huy đội giỏi, tiếng hát sân trường, thành lập Câu lạc bộ “Kỹ năng đội viên”... các em đều tham gia rất say sưa”.

Vẫn còn đó những khó khăn khi 20% tổng phụ trách đội phải kiêm nhiệm. Chẳng hạn, giáo viên dạy các môn thể dục, họa, âm nhạc… có số tiết dạy ít nên một số trường bố trí cho những giáo viên này làm tổng phụ trách đội. Vì vậy, họ rất khó khăn khi không nắm bắt được tâm lí của các lứa tuổi, hạn chế về công tác điều hành trong sinh hoạt đội, cũng như lúng túng khi điều khiển các trò chơi và kỹ năng ứng xử với học sinh và giáo viên trong nhà trường.

“Rất nhiều trường đã thay mới đội ngũ giáo viên tổng phụ trách đội trẻ trung, năng động; tuy nhiên, vẫn còn hạn chế về mặt nghiệp vụ nên Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao các kỹ năng để họ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong thời đại mới”. Anh Bùi Vĩnh Tuấn Anh, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Tỉnh đoàn, thông tin thêm.

Bài, ảnh: HUẾ THU