Thầy Trần Kiêm Ngẫu tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động vui chơi

Những năm công tác trong ngành, thầy giáo Trần Kiêm Ngẫu nhận được 83 bằng khen, giấy khen, thành tích từ trung ương đến địa phương. Cuối năm 2018, thầy Ngẫu vinh dự được tặng giải thưởng “Cánh én hồng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Đồng đội Trung ương trao tặng. Thầy cũng là 1 trong 10 giáo viên tổng phụ trách đội xuất sắc toàn quốc được tham dự hội nghị “Liên hoan giáo viên làm công tác phụ trách thiếu nhi toàn quốc” tổ chức tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) năm 2018.

Tại Trường tiểu học Hương Vân, vào mỗi giờ ra chơi thường có “đội viên” ở tuổi 50 tuổi mang khăn quàng đỏ hướng dẫn học sinh tham gia hoạt động múa hát tại sân trường. “Muốn đưa phong trào đội đi lên, trước hết phải thu hút được đông đảo học sinh, đội viên tham gia. Vì vậy, cần nắm bắt tâm lý các em, tận tình hướng dẫn, thu hút học sinh tham gia phong trào. Không chỉ trong vai trò của người thầy mà còn phải như người bạn thân thiết của các em nhỏ”, thầy Ngẫu bộc bạch.

Vào những dịp lễ, thầy Ngẫu soạn những bài viết tuyên truyền để các em trong đội Tuyên truyền măng non đọc trên hệ thống phát thanh trong giờ ra chơi. Thầy thường tổ chức các hội thi như xây dựng hình tượng và kể chuyện về các anh hùng liệt sĩ, tìm hiểu tiểu sử đội, tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các em đội viên để hiểu hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử, qua đó bồi đắp lòng yêu nước và rèn luyện các kỹ năng.

Em Trần Thảo Nguyên, Chi đội trưởng lớp 4/1, Trường tiểu học Hương Vân, bày tỏ: “Thầy Ngẫu truyền cho chúng em cảm hứng tham gia các công tác đội, đồng thời dạy cho chúng em điều hay lẽ phải trong cuộc sống, rèn cho chúng em nhiều kỹ năng mềm”.

Thầy Ngẫu bồi hồi nhớ về kỷ niệm với em Lộc, người học trò nghèo ở thôn Thai Dương Hạ, xã Hải Dương. Chẳng may, mẹ em lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời khi em học lớp 5. Rồi ít năm sau, ba em Lộc bị tai nạn phải nằm viện dài ngày. Kinh tế gia đình sa sút trầm trọng, Lộc quyết định nghỉ học khi đang học lớp 8 để đi bươn chải kiếm sống.

Đến năm Lộc 16 tuổi, em rơi vào vòng lao lý vì một xích mích nhỏ với một vài người trong địa phương. Đêm khuya, hai cha con Lộc đến chào từ biệt thầy, nhưng chẳng phải để em Lộc đi cải tạo 1,5 năm như tòa tuyên án, mà để trốn vào Nam. Thầy Ngẫu ban đầu kinh hãi, sau mới từ tốn giải thích cho hai cha con hiểu rằng cải tạo không hẳn là “tù đày” mà Nhà nước đưa những người phạm pháp vào môi trường giáo dục tốt. Sau đó, hai cha con thay đổi ý định. Bẵng đi hơn một năm, em Lộc lại trở về thăm thầy, lúc này em đã là một thanh niên hoàn lương cao to, rắn rỏi. Hai thầy trò mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc. 

“Lộc và các em đội viên đã giúp tôi thấy được chiếc khăn quàng trên vai người phụ trách đội có ý nghĩa lớn lao như thế nào, tôi thêm yêu chiếc khăn quàng, yêu thêm công việc phụ trách đội từ những kỷ niệm nho nhỏ ấy”, thầy Ngẫu nói trong niềm xúc động.

Cô giáo Phạm Thị Hương Giang, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, Trường tiểu học Hương Vân chia sẻ: “Đạt thành tích liên đội mạnh cấp trung ương nhiều năm liền là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy giáo Ngẫu. Chúng tôi ghi nhận điều này và luôn động viên thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bài, ảnh: PHƯỚC LY