Thế giới cam kết giảm tối đa sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: Dw
Cam kết được đưa ra sau cuộc họp với gần 200 bộ trưởng các nước tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) diễn ra ở Nairobi, Kenya. Trong đó, lãnh đạo các nước cam kết “giải quyết ảnh hưởng, thiệt hại cho môi trường bằng cách giảm đáng kể số lượng sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2030”.
Động thái nhằm mục tiêu hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc nhựa, túi nhựa, ống hút...
Mặc dù tuyên bố đã được đưa ra nhằm đánh dấu cam kết toàn cầu đầu tiên về kiềm chế sử dụng nhựa, song nhóm các nhà bảo vệ môi trường cho rằng cam kết này vẫn không đủ để khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm đang đe dọa phá hủy thế giới.
Tại buổi họp, hầu hết các nước, bao gồm các thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đề xuất của Ấn Độ về việc đảm bảo các nước sẽ loại bỏ tất cả các sản phẩm nhựa sử dụng một lần khó phân hủy vào năm 2025.
Tính đến thời điểm hiện tại, môi trường tự nhiên đang phải chịu đựng nhiều tác động và đứng trước nguy cơ lớn khi mỗi năm có khoảng 500 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng trên toàn thế giới. Cùng với đó, mỗi phút cũng có 1 triệu chai nhựa sử dụng một lần bán đến tay người tiêu dùng. Mỗi năm, khoảng 8,8 triệu tấn phế phẩm nhựa bị xả thẳng ra đại dương, đe dọa sự sống của sinh vật biển và các rạn san hô đến mức đáng báo động.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw)