Nhắc lại đề xuất trên bởi cuối tuần qua, câu chuyện xây dựng thương hiệu áo dài Huế qua một hội thảo đã vỡ vạc nhiều ý tưởng. Không chỉ dừng lại ở chủ trương vận động phụ nữ mặc áo dài ở công sở. Không chỉ là động thái “kích cầu”, miễn vé cho phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài tham quan di tích Huế. Không chỉ là những chương trình lễ hội áo dài diễn ra trong khuôn khổ các kỳ festival... Cần mở ra trang mới cho áo dài, là xây dựng chuỗi giá trị có tính thương mại.

Cách đây vài năm, trò chuyện cùng TS.Thái Kim Lan, chị có nhiều ấp ủ về chiếc áo dài với những cuộc trưng bày áo dài ở Huế, Hà Nội, Đức... Chị cũng đã ao ước về những show áo dài định kỳ phục vụ du lịch. Cùng với đó là bảo tàng áo dài, ngành may mặc, xuất khẩu áo dài và công nghệ chế tác phụ kiện đi cùng áo dài... Khi ấy, Huế sẽ biết đến với thương hiệu thành phố áo dài. Không chỉ bởi người dân mặc áo dài đi học, đi làm, ra chợ, trẩy hội... mà ở đó, có ngành công nghiệp áo dài.

Có lẽ, nhiều người không khỏi e ngại trước việc biến áo dài thành sản phẩm hàng hóa. Nhưng nói như nhà thiết kế Minh Hạnh, đó là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hàm chứa dung lượng văn hóa, với lịch sử hình thành hàng trăm năm, cùng những câu chuyện cũ và mới.

Cũ là về những hiện vật áo dài xưa trong các bộ sưu tập, kể cả hoàng bào triều Nguyễn của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, hay những chiếc áo dài xưa của TS.Thái Kim Lan mà mỗi hiện vật là một câu chuyện về văn hóa mặc, nghi lễ, tiết hạnh... Mới như việc các nhà thiết kế đã đưa dệt Zèng vào áo dài. Hay mới đây, tôi tình cờ gặp một người quen. Trông chị thật sang trọng, lịch lãm trong chiếc áo dài truyền thống theo lối xưa, với chất liệu thân thiện môi trường và tà áo in tranh của họa sĩ Bửu Chỉ bằng công nghệ in ấn hiện đại...

Khi nói về việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho Huế, các chuyên gia cho rằng, ngoài quần thể di tích triều Nguyễn, chỉ cần xây dựng cho được chuỗi giá trị xung quanh thương hiệu ẩm thực, áo dài, Ca Huế, đã có thể biến thành phố cổ này thành điểm đến khác biệt. Cùng với đó là doanh thu, công ăn việc làm....

Cũng trong câu chuyện với Nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh cách đây đã lâu về áo dài Huế, ông bảo: Vì sao chiếc áo Kimono của Nhật, được gia công thêu ở Việt Nam, xuất khẩu đi nhiều nơi có giá hàng ngàn USD mỗi cái, còn áo dài thì không?.

Không chỉ là mơ ước. Đã đến lúc, cùng với xây dựng thương hiệu, phải đặt ra chuyện khai thác một cách chuyên nghiệp giá trị áo dài Huế thành “thượng phẩm” du lịch - thương mại. Đó là sản phẩm hàng hóa kết tinh từ những "bàn tay vàng", với chất liệu sang trọng, họa tiết độc đáo, công phu và những câu chuyện về lịch sử - văn hóa gắn với không gian tham quan, trải nghiệm, thưởng lãm. Không chỉ đem lại lợi nhuận cao, đó cũng là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản áo dài.

Và nỗi trăn trở của Nghệ nhân Lê Văn Kinh, hay mơ ước của những người tâm huyết với di sản áo dài, đang c hờ đợi sự vào cuộc của các doanh nghiệp và vai trò định hướng, hỗ trợ của Nhà nước.

Nhật Nguyên