Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Các trường tăng tốc

Năm ngoái, khảo sát toàn bộ học sinh lớp 12 trên địa bàn cho thấy, có trên 70% lo lắng về đề khó, lượng kiến thức quá lớn, học sinh không có đủ thời gian ôn tập. Khoảng 30% học sinh cho biết, dành nhiều thời gian để tới các lò luyện thi. Năm nay, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề minh họa, tâm lý chung của thí sinh có phần nhẹ nhõm hơn. Nguyên nhân là do độ khó của đề được tiết giảm, nội dung và kiến thức của lớp 10 và 11 cũng vậy, phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp.

Thời gian này là lúc các trường trên địa bàn tích cực trang bị cả về kiến thức và kỹ năng, giúp học sinh yên tâm ôn tập. Các trường THPT trong tỉnh đã yêu cầu các tổ bộ môn họp chuyên môn và giao cho giáo viên xây dựng các bộ đề trắc nghiệm làm ngân hàng đề cho nhà trường; khuyến khích giáo viên nâng cao ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) cho biết, quan điểm của trường là học thực chất, dạy thực chất nên với phương án nào cũng không thành vấn đề. Nhà trường đã định hướng cho học sinh chọn lựa các tổ hợp thi và phân bố giáo viên phù hợp. Hiện, trường chỉ đạo ôn tập bám sát chuẩn chương trình. Do học sinh vẫn còn nhiều lo lắng nên sắp tới, nhà trường tăng cường ôn thi theo khối, ngành học mà học sinh đăng ký.

Học sinh chủ động

Em Lê Ngọc Quỳnh An, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng, đăng ký học tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH), chia sẻ đã được thầy, cô giáo hướng dẫn khá cụ thể, dễ hiểu về cách làm bài thi trắc nghiệm, được làm bài kiểm tra thường xuyên. Khi xác định dự thi khối C và làm bài thi tổ hợp KHXH, em đã có ý thức rèn kỹ năng viết bài nghị luận theo yêu cầu ngắn gọn, cô đọng và chủ động tự viết các bài nghị luận xã hội với nhiều nội dung, rồi trao đổi với các bạn và nhờ giáo viên nhận xét, sửa bài.

Nhiều giáo viên cho rằng, học sinh cần được ôn luyện kiến thức cơ bản lẫn nâng cao bởi vì không thể bám mỗi chương trình sách giáo khoa khi vẫn có những câu hỏi khó, phân loại học sinh. Phương thức ra đề thi trắc nghiệm là có thể hỏi bất cứ chỗ nào nên giáo viên luôn khuyến khích học sinh phải học kỹ, chuyên sâu, học đến đâu nắm chắc đến đó, giải quyết được tất cả các dạng đề liên quan.

Cô giáo Phạm Thị Sáng, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Cao Thắng cho rằng, ngoài chương trình sách giáo khoa, học sinh cần mở rộng kiến thức ra nhiều văn bản, chú trọng đọc - hiểu để xác định thể loại văn bản. Điều quan trọng là việc đọc hiểu và thẩm thấu tác phẩm. Không nhất thiết phải khoanh vùng kiến thức nằm trong chương trình lớp 10, 11 mà nên ra đề mở để học sinh không diễn đạt theo lối mòn.

Không nên chạy đua

Để kỳ thi đạt kết quả tốt, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các trường tập trung rà soát, phân loại học sinh khối 12 theo các nhóm (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém); đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp với điều kiện từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh. Trên cơ sở phân bố chương trình, nhất là với các môn được chọn thi, sở khuyến khích các tổ và nhóm chuyên môn trong các nhà trường có kế hoạch chi tiết bảo đảm “dạy đúng, dạy đủ” chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Cùng với đó, nghiên cứu, giúp học sinh làm quen với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD & ĐT trong quá trình dạy học và ôn luyện thi…

Sở GD & ĐT cũng chỉ đạo, căn cứ vào học lực và theo nguyện vọng, nhu cầu của học sinh, các trường phân, tách các lớp thành lớp ôn tập các tổ hợp bài thi tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các trường có sự bố trí thời gian, phân công giáo viên cho hai đợt ôn thi phù hợp nhằm làm tốt mục tiêu: ôn tập, củng cố kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, sửa chữa những sai sót thường gặp cho học sinh và dạy ôn theo chuyên đề, chuẩn kiến thức và theo bộ đề.

Phương án thi THPT Quốc gia mà Bộ GD & ĐT công bố điều chỉnh tăng tỷ lệ từ 50% (năm trước) lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Kết quả thi do vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà gây áp lực với học sinh. Nếu chúng ta có đề thi tốt, phù hợp với trình độ học sinh sẽ hạn chế được tiêu cực. Phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào, thi mức độ đó. Việc đánh giá chất lượng giáo dục cần nhìn nhận từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở kỳ thi.

Bài, ảnh: Huế Thu