Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu 32 tỉnh, thành phố có Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đáp ứng tiến độ Dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group - Trung Quốc) vừa gợi ý mong muốn được tham gia vào lĩnh vực hạ tầng giao thông Việt Nam theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và đề xuất một số hình thức hợp đồng như EPC (hợp đồng tổng thầu) và BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được kết nối vào tuyến cao tốc Bắc - Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dự án cần đấu thầu quốc tế rộng rãi, với những điều kiện chặt chẽ để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực cũng như hợp đồng ràng buộc được trách nhiệm.

GS.TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm: Về nguyên tắc, đấu thầu phải theo quy định chung của thông lệ quốc tế. Tất cả các nhà thầu đều phải bình đẳng, đấu thầu phải công bằng, không thể chọn nước này nước khác.

Song, ông Đào chỉ rõ, thực tế đã có một số bài học với một số quốc gia, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc. Đơn cử một số dự án như: đường sắt Hà Đông – Cát Linh do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đội vốn tới trên 315 triệu USD (tương đương hơn 40% tổng mức đầu tư ban đầu), 6 lần lùi tiến độ; hay như dự án cao tốc 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng - Quảng Nam có 1 số nhà thầu Trung Quốc tham gia vừa làm xong đã hỏng…

Cẩn trọng, nghiêm túc khi chọn nhà thầu

Theo GS. Đặng Đình Đào, đường cao tốc Bắc – Nam là một dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó, việc lựa chọn nhà thầu nên có tiêu chí để thu hút đa dạng các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đã có kinh nghiệm làm các tuyến đường bảo đảm chất lượng, bảo đảm tiến độ.

“Đã đến lúc cần phải tính toán, cân nhắc, lựa chọn nhà thầu thật cẩn thận và nghiêm túc. Nên chọn các nhà thầu của các nước có công nghệ hiện đại, làm ăn bài bản, có uy tín, chất lượng như Nhật Bản, Đức… Cần phải rút kinh nghiệm từ các dự án do các nhà thầu nước ngoài tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam để có lựa chọn đấu thầu. Việc này liên quan tới sự minh bạch, việc tính toán... không thể lựa chọn theo tiêu chuẩn rẻ nhất, vì rẻ nhất mà kéo dài hàng chục năm, để rồi đội vốn, đẩy chi phí lên thì tổng tiền thực hiện sẽ đắt,” GS. Đặng Đình Đào phân tích.

Bên cạnh đó, theo vị giáo sư này, cần phải tính toán về nguồn vốn vay để không phải bắt buộc chọn nhà thầu của chính nước cho vay ưu đãi để thực hiện dự án. “Đã đến lúc phải nghiêm túc xem lại và hạn chế những nhà thầu để lại những tiếng tăm không tốt, kéo dài thời gian nhiều năm, đội vốn lên cao. Phải làm thật minh bạch, công khai, nhưng hơn tất cả là phải thực hiện đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng trên tổng thể lợi ích quốc gia”, ông Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Để thực hiện điều này, GS. Đào cho rằng, cần sự công tâm, minh bạch của người chủ trì đấu thầu. Bởi nếu không có đội ngũ cán bộ công chức đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, thiếu sự công tâm, minh bạch, thậm chí việc đấu thầu vẫn còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì việc chọn sai nhà thầu sẽ vẫn còn tiếp diễn.

“Nếu chọn sai nhà thầu thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng vì đây là một dự án lớn, nếu lại lặp lại tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém hay xảy ra sự cố sẽ gây mất lòng tin của người dân”, GS. Đặng Đình Đào cảnh báo.

Cần giám sát chặt, đánh giá kỹ và quy trách nhiệm

Còn theo quan điểm của PGS.TS. Vũ Cương, Khoa Kế hoạch Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc lựa chọn nhà thầu là nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả của đầu tư, lựa chọn được đơn vi thi công tốt nhất để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư. Như vậy, không nên phân biệt nội hay ngoại, mà điều quan trọng là phải có một quy trình mời thầu, đánh giá thầu minh bạch, chuyên nghiệp và chính xác.

Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ, nếu gói thầu đó còn nhằm các mục đích nhạy cảm khác (như quốc phòng, an ninh, dữ liệu mật…) thì sẽ đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu. Trong trường hợp này, tính hiệu quả của đấu thầu có thể chưa phải là ưu tiên số 1, mà là tính chất của dự án.

Về những bài học về chậm tiến độ, đội vốn khiến hiệu quả các dự án chưa được như mong muốn, TS. Vũ Cương cho rằng, điều này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là khâu thiết kế dự án tồi, chỉ cốt lập dự án để được cấp vốn, rồi sau đó lỗi đâu sửa đấy và cũng không ai phải chịu trách nhiệm về thiết kế kém. Sau đó là khâu thẩm định qua quýt, chủ yếu là “xin-cho” dẫn đến tình trạng chạy dự án, các nhà thầu muốn có công trình thì đứng ra lập dự án hộ cả chủ đầu tư. Khâu thực hiện thì liên quan đến quản lý kém, tham nhũng, ăn chia, khâu khai thác sau đầu tư thì không có đánh giá…

Theo TS. Vũ Cương, bài học lớn nhất là phải tăng cường công tác theo dõi, đánh giá: Khách quan, chặt chẽ, chính xác. Kết quả đánh giá phải có kênh để trở thành công cụ quy rõ trách nhiệm và thưởng phạt các bên; rút kinh nghiệm cho các chu kỳ tiếp theo. Muốn vậy, trong thiết kế hệ thống phải tìm cơ chế tách rõ vai trò của người đề xuất dự án, người phê duyệt, người thực hiện và người đánh giá. “Nếu đan xen lợi ích giữa các ông này thì rất khó có hiệu quả”, TS. Cương lưu ý.

Quốc hội đã có Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trước mắt đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố; gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Theo VOV