Đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm, cả 3 thành phố cùng nắm giữ vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng của EIU. Ảnh: Straits Times

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của cuộc khảo sát, cả 3 thành phố nói trên cùng nắm giữ danh hiệu thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo EIU.

Hồi năm ngoái, Hồng Kông và Paris lần lượt xếp thứ 4 và thứ 2, trong khi Singapore được xếp hạng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới trong 5 năm qua.

Khảo sát Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu của EIU năm 2019 so sánh giá cả của hơn 400 mặt hàng trên 160 loại sản phẩm và dịch vụ. Chúng bao gồm thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ dùng gia đình và các mặt hàng chăm sóc cá nhân, cũng như các trường tư, sự hỗ trợ trong nước và chi phí giải trí.

Theo báo cáo, Singapore và Hồng Kông đều đắt đỏ hơn 7% so với thành phố New York (Mỹ). Trong khi đó, thành phố Seoul của Hàn Quốc ngang bằng với New York, cùng được xếp ở vị trí thứ 7.

Đáng chú ý, có 4 thành phố ở khu vực châu Á lọt vào top 10 của bảng xếp hạng toàn cầu năm nay, đó là thành phố Osaka ở Nhật Bản, thành phố Seoul, cũng như Singapore và Hồng Kông. Các thành phố khác lọt vào top 10 bao gồm Zurich, Geneva, Copenhagen, New York, Tel Aviv và Los Angeles.

Cuộc khảo sát nói thêm rằng, trong khi châu Á là khu vực có một số các thành phố đắt đỏ nhất thế giới, đây cũng là nơi có nhiều thành phố rẻ nhất thế giới; khi các thành phố của Ấn Độ gồm Bangalore, Chennai và New Delhi, cũng như thành phố Karachi ở Pakistan nằm trong số 10 địa điểm rẻ nhất được khảo sát.

Báo cáo lưu ý, các nền kinh tế với những loại tiền tệ tăng giá, như Mỹ đã tăng thứ hạng đáng kể. “Điều này thể hiện sự gia tăng mạnh mẽ trong chi phí sinh hoạt so với 5 năm trước, khi New York và Los Angeles được xếp hạng ở vị trí thứ 39”, báo cáo cho hay.

Thanh Ngân (Lược dịch từ CNA)