Từ lâu nay, văn hóa, con người Huế đã là một sản phẩm du lịch hấp dẫn. (Trong ảnh: Du khách thăm di sản Huế). Ảnh: Nông Thanh Toàn

Điểm đến thân thiện

Dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giới kinh doanh du lịch trong cả nước bất bình khi tờ phiếu thanh toán được một du khách chia sẻ trên mạng xã hội sau khi ăn cơm tại một nhà hàng ở Nha Trang. Những món ăn đã bị “thổi” giá lên nhiều lần. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, phạt nhà hàng này 40 triệu đồng và buộc phải hoàn lại hơn một nửa số tiền mà nhà hàng đã cố tình tính thêm của thực khách.

Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên”, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đâu đó vẫn còn tình trạng chặt chém, chèo kéo khách, taxi dù, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh… dù là những trường hợp cá biệt, nhưng phải lên án và xử lý nghiêm. Đây là những việc không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, quảng bá du lịch. Phải tăng cường quản lý, kiểm soát tình trạng “chặt chém”, nhất quyết không để hình ảnh xấu đó trở thành thương hiệu của du lịch một số địa phương được Thủ tướng yêu cầu.

Theo Thủ tướng Chính phủ, giữ được môi trường thiên nhiên sạch sẽ, con người thân thiện, vui vẻ với du khách, luôn có nụ cười trên môi, cùng với đó là điểm đến an toàn, an ninh tốt… sẽ tạo nên giá trị quan trọng, yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của du lịch nói chung. Chẳng hạn khi Nhật Hoàng đến thăm Huế vào năm 2017, người dân sắp hàng dài đón từ sân bay lên TP. Huế, hay các em học sinh chào đón, trên tay cầm quốc kỳ hai nước đã tạo ấn tượng mạnh đối với Nhà vua Nhật Bản. Đó là những điều mà các địa phương cần hướng đến và Huế phải phát huy.

Làm thế nào để du khách đến Huế nói riêng và Việt Nam nói chung hứng khởi, yêu mến. Theo các chuyên gia du lịch, ngoài tài nguyên du lịch, cách quảng bá điểm đến hiệu quả nhất chính là việc xây dựng hình ảnh người dân thân thiện, nhân viên tận tụy và mến khách?

Lãnh đạo Sở Du lịch nhìn nhận, đối với Huế, luôn được biết đến là vùng đất thanh bình, mến khách, an ninh, an toàn cao. Từ lâu nay, văn hóa Huế, con người Huế đã là một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Các em học sinh tham quan Đại Nội dịp Huấn luyện viên Park Hang Seo thăm Huếcác

Xây dựng các "đại sứ"

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, để mỗi người dân không đứng ngoài cuộc trong việc tăng khả năng thu hút du khách, nhiều khóa tập huấn nâng cao kỹ năng phục vụ du khách được tổ chức. Trong các nội dung được truyền tải, sự thân thiện và luôn nở nụ cười khi phục vụ khách được tập trung truyền tải.

Ông Lê Ngọc Sanh đánh giá, để mỗi người dân là một “đại sứ” như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thì song song với việc tuyên truyền, cần có một chiến lược dài hơn, nhất là tiếp tục phát huy những giá trị sẵn có và xây dựng được thế hệ trẻ văn minh, yêu Huế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ rất khó để duy trì và đi sâu vào đời sống của giới trẻ. Trong khi đó, văn hóa, những giá trị truyền thống luôn được cho là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững, tránh sự lệch lạc.

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch góp ý, cần cho các em học sinh đến bảo tàng, Kinh thành và kể lại những câu chuyện gắn liền. Các em sẽ xem như câu chuyện cổ tích và sẽ nhớ mãi, khi đó đã gieo niềm tự hào về Huế cho thế hệ trẻ. Sẽ mất khoảng 10 năm để hình thành một thế hệ như thế và trong 100 em được giáo dục thì chỉ cần một nửa nhận thức được là đã thành công, các em sẽ lan tỏa tình yêu đó cho những thế hệ tiếp theo. Theo ông Phương, trong du lịch, yếu tố đầu tiên phải sạch, đảm bảo vệ sinh. Với Huế, có thể thí điểm từng tuyến đường vệ sinh, không rác thải… để nâng cao ý thức và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Từ một cá nhân hiệu quả để nhân rộng ra cả khu phố. Sau đó, tiếp tục vận động thêm tuyến đường không hút thuốc, tuyến không tệ nạn xã hội... Đó là hướng phát triển riêng và bền vững, hướng đến con người Huế là sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh sẽ xây dựng một bộ giáo khoa, bộ bài giảng, hoặc chương trình ngoại khóa để giáo dục văn hóa lịch sử Huế cho học sinh, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Giáo dục văn hóa lịch sử sẽ là nền tảng tạo cốt cách cho những người Huế trẻ, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, từ đó giới trẻ sẽ khát khao cống hiến, phục vụ.

ĐỨC QUANG