PGS.TS Nguyễn Đình Sơn
Ông Sơn cho rằng, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Trong khi đó, loại vi rút này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện dụng cụ chăn nuôi có vi rút.
Trước tình hình dịch bệnh đang lan rộng, trong đó có xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) nên một số người dân đang lo lắng bệnh này có thể lây sang người. Điều này đúng hay sai, thưa ông?
Hiện nay, trên mạng xã hội có xuất hiện một số thông tin không chính xác về dịch bệnh này, gây hoang mang cho người dân. Những bệnh của lợn có thể gây sang người phải kể đến lợn lở mồm long móng, bệnh do nhiễm viên cầu lợn, bệnh viêm phổi lợn... Còn bệnh dịch tả lợn châu Phi tôi khẳng định hoàn toàn ngược lại. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không lây bệnh sang người và các động vật khác. Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn; kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Gần đây, các cửa hàng thịt ở chợ vắng khách, sức mua giảm mạnh, mọi người có xu hướng "tẩy chay” thịt lợn. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
Người dân không nên "tẩy chay" thịt lợn an toàn và chế biến hợp vệ sinh. Cần nhận định rõ với kiến thức hiểu biết của mình là ăn thịt bị mắc bệnh tả châu Phi sẽ nguy hiểm trong trường hợp con lợn bị chết, các vi sinh vật khác phát triển gây ra những độc tố. Do khi lợn đã chết sẽ phát sinh ra các loại vi khuẩn và bệnh khác không phải tả lợn. Vì thế, nếu ăn phải, nhẹ có thể tiêu chảy do nhiễm khuẩn tiêu hóa, nặng có thể dẫn đến ngộ độc...
Ông có khuyến cáo gì đối người tiêu dùng hiện nay?
Người dân hãy là người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng. Thịt con lợn bị bệnh sẽ có màu sắc bất thường, đặc biệt thịt lợn khi đã chết có màu sắc nhạt nhợt, tím tái thâm đen và có mùi. Tốt nhất, bà con cần mua thực phẩm ở những cơ sở có uy tín, hợp pháp, thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch của thú y. Cần ăn chín, uống sôi, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, tiết canh... Nếu cẩn trọng như thế sẽ loại bỏ các mầm bệnh từ thực phẩm.
Cùng với dịch lợn tả châu Phi, hiện bệnh sán lợn hiện nay đang diễn biến phức tạp ở phía bắc. Xin ông cho biết, "cơ chế " hoạt động của bệnh này và cách phòng, tránh?
Thông tin từ Bộ Y tế, hiện có ít nhất 55 tỉnh, thành xuất hiện trường hợp mắc bệnh sán dây, nhiễm ấu trùng sán lợn. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, đến nay đã có hơn 200 trẻ dương tính với sán lợn.
Bệnh sán lợn là do có thói quen ăn thịt lợn sống, thịt lợn tái... Người bệnh có thể mắc ấu trùng sán lợn hoặc sán trưởng thành ở ruột nếu ăn hay nuốt phải trứng, nang ấu trùng sán lợn. Khi vào cơ thể người, trứng sán đi đến dạ dày nở ra ấu trùng, đến ruột non, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt...
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, người dân cũng không nên ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Ngoài ra, phải đảm bảo môi trường sống sinh hoạt sạch sẽ, không chăn nuôi lợn thả rong; các lò mổ gia súc quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh...
Xin cảm ơn ông!
Minh Văn (thực hiện)