Có vẻ như Byron Román – người chia sẻ hình ảnh đối lập trước và sau khi dọn rác ở một địa điểm cụ thể nào đó – không nghĩ rằng, anh đã là người tạo nên một hiệu ứng – một trào lưu tích cực đến như vậy khi nó lan ra khắp nơi trên thế giới. Người đàn ông này gọi hành động này là một phần thử thách với hashtag #basurachallenge – xuất phát từ chữ rác trong tiếng Tây Ban Nha là basura. Cộng hưởng với Byron Román, những người tham gia mạng xã hội đã tiếp tục chia sẻ và lan tỏa hành động với hashtag phổ biến là #basurachallenge hoặc challengeforchange. Đến Việt Nam, hashtag trên các trang mạng xã hội đã trở thành #thử-thách-dọn-rác và hiện đã trở thành hành động tích cực vì mục đích chung là bảo vệ môi trường.

Trong mối tương quan chung, rõ ràng thử thách này mang đến nhận thức đẹp, hành động đẹp và có ích so với các thử thách tiêu cực trước đó cũng trên mạng xã hội như blue whale challenge (còn được biết đến với tên trò chơi tự sát Blue Whale); trào lưu ép đá lạnh lên vùng da xát muối của giới trẻ Mỹ; trào lưu ngã sấp mặt của hội con nhà giàu khi đổ bộ vào Việt Nam hay các trào lưu khác như quan trọng là thần thái, nói là làm hay đang phổ biến nhất và chưa có dấu hiệu ngưng nghỉ là khoe ảnh tự sướng ở rất nhiều độ tuổi và giới…

Tôi đề cập đến điều này vì quả thực, những trào lưu tiêu cực, hoặc ít tích cực, ít mang lợi ích chung như trên đôi khi làm người dùng mạng xã hội hoặc sợ hãi, hoặc ngán ngẩm vì tính cá nhân và vị kỷ. Nhiều người cũng nói rằng, những điều đó cũng là một phần tác động làm họ hoặc ít tham gia mạng xã hội hơn; ngăn cấm hoặc quản lý con cái kỹ hơn và thậm chí, không ít người đã từ chối hoặc chặn kết nối (nếu đã kết bạn) với những ai đó vì họ thấy nhạt, phản cảm. Những mối quan hệ trong đời thực, do những tác động này nên cũng trở nên xa rồi lạ dần.

Không phải bắt đầu từ hashtag #thử-thách-dọn-rác, nhưng đây cũng là một trào lưu đang được Huế hóa khi có hẳn một phong trào đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh và đi sâu vào các ngõ ngách của các khu phố, địa bàn dân cư về việc dọn rác, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, tận dụng các phế liệu và “tái sinh” để chúng có ích với cộng đồng hơn. Hành động này cũng đang góp phần để làm Huế xanh và đẹp hơn, thân thiện hơn và tất nhiên – hạnh phúc hơn vì có một môi trường chất lượng hơn.

Tôi cũng muốn slogan Actions for change - Hành động để thay đổi và hashtag #huegreen sẽ phủ sóng và lan tỏa mạnh hơn, rộng hơn và thu hút được nhiều người tham gia hơn nữa. Và đương nhiên, mong muốn không phải chỉ là một trào lưu – dù là một trào lưu dễ thương nhất – mà là một sự thay đổi từ nhận thức để trở thành một thói quen hàng ngày.

MINH HÀ