Việt Nam là nước chỉ có một đảng duy nhất lãnh đạo đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Quyền lãnh đạo đất nước đã được ghi rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam -  đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”,“Tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng ta phát triển trong lòng dân tộc, nhưng đồng thời Đảng đem lại hòa bình, ấm no cho mọi người dân trên dải đất Việt Nam. Quyền lợi của Đảng gắn liền với quyền lợi của dân tộc, của toàn dân, cho nên để bảo vệ Đảng vững mạnh cần thiết phải có những tiêu chuẩn chính trị cần thiết.

Tiêu chuẩn chính trị của đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 về những điều đảng viên không được làm, Quy định 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng  và các văn bản của Đảng, Nhà nước. Gần đây, Hội nghị Trung ương 4 (khóa 12) ngày 30/10/2016 đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ,  đảng viên trong tình hình hiện nay. Trong đó, 2/3 số biểu hiện được xác định là suy thoái về tư tưởng chính trị và biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây chính là những vấn đề xác định tiêu chí chính trị của đảng viên, chống thoái hóa, biến chất về chính trị trong Đảng. 

Trong Điều lệ Đảng đã xác định rõ: “suốt đời hy sinh phấn đấu”, “ tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”. Tiêu chuẩn đại biểu của cơ quan dân cử cũng chỉ rõ: phải là những đại biểu trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy,  tiêu chuẩn cao nhất của đảng viên và cán bộ công chức là trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Đánh giá trung thành phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể, trong đó, tiêu chuẩn chính trị của người cán bộ là yếu tố ràng buộc chặt chẽ. Tiêu chuẩn này bao gồm: lịch sử chính trị và chính trị hiện nay. Lịch sử chính trị là những vấn đề liên quan đến chế độ cũ,  hoạt động trong các đảng phái, tổ chức phản động và những hoạt động có liên quan chống Nhà nước đã bị xử lý. Chính trị hiện nay là những biểu hiện, hoạt động hiện hành liên quan đến quan điểm, tư tưởng chính trị, về nguyên tắc sinh hoạt Đảng, quan hệ với các tổ chức nước ngoài chống Nhà nước và vấn đề về suy thoái đạo đức, lối sống, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội. Đó là 2 yếu tố để xem xét khi kết nạp đảng, bổ nhiệm lãnh đạo và tuyển vào các cơ quan thiết yếu cơ mật. Tuy nhiên, chú trọng nhất là chính trị hiện hành vì tiêu chuẩn này có ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm, tư tưởng, hoạt động đối nghịch của một số cán bộ, đảng viên biến chất. Đây vừa là tiêu chuẩn, nhưng đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng ta trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế thừa lâu dài.

Hiện nay, có một số ý kiến đưa ra là khi đề bạt cán bộ thì chỉ cần xem xét về tài năng hoặc có năng lực làm lãnh đạo quản lý. Nói như vậy đúng nhưng chưa đủ, bởi Đảng ta là hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội nên rất cần những cán bộ, đảng viên có năng lực,  nhưng đi kèm theo đó đòi hỏi  phải có quan điểm chính trị rõ ràng,  ủng hộ và phấn đấu cho sự nghiệp đổi mới.

Cũng có ý kiến ủng hộ, tung hô những người mà họ cho là cấp tiến,  phản biện xã hội, chống bảo thủ trong Đảng. Thực ra đó chỉ là cái lý biện hộ cho những quan điểm đi ngược những chủ trương,  đường lối hiện nay của Đảng. Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ đã có biểu hiện “xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo lãnh tụ tiền bối Đảng và Nhà nước, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; tuyên truyền tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối, gây nghi ngờ, chia rẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân”. Đặc biệt là một số phần tử bất mãn nghiêm trọng, bị kỷ luật đã tự động bỏ sinh hoạt Đảng, tự  tung hô lên cái gọi là “ly khai”, “phong trào bỏ Đảng”… Tuy chỉ là số ít nhưng lại là những người từng giữ các chức vụ trong Đảng,  chính quyền, đã “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, quay lưng chống lại Đảng, Nhà nước. Dù không có tiếng nói uy tín trong cán bộ, Nhân dân nhưng lại là những “nhân tố” làm cản trở tiến trình phát triển đi lên của đất nước  dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là những biểu hiện và hành động không thể chấp nhận được.

Bên cạnh chống tham nhũng thì cần thiết phải loại bỏ những kẻ cơ hội, suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng của Đảng trong một bộ phận đảng viên. Có như vậy mới củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH