Trang mưu sinh bằng nhiều nghề nhưng đều phải bỏ dở, bởi làm gì cũng không thể rời con. Mỗi việc đưa đón hai đứa đi học đã khiến người mẹ trẻ xoay như chong chóng. Cô gắn bó với việc nhặt ve chai lâu hơn cả. Việc này chỉ cần chiếc xe đạp cùng cái móc sắc; cần hơn là tính kiên trì và bất chấp dơ bẩn. Với khẩu trang che kín mặt và găng tay dày cộm, cô lần vào từng con hẻm hay đứng chờ ở những tụ điểm vui chơi nào đó; lắm thứ người ta vứt đi cũng đem lại cho cô niềm vui. Đứa em xinh gái nhất nhà và được cưng chiều hết mực giờ là thiếu phụ lam lũ, với tiếng rao buồn trải dài trên các nẻo đường “ai chai bao, nhôm nhựa, bán đê..ê..ê....”; không kể nắng mưa, trưa tối. Tuy nhiên, việc này bấp bênh như câu cá nên sau một thời gian, Trang tìm kế khác.
Đó là bán rau quả và thực phẩm. Trên chiếc xe đẩy có mái che, các loại rau cùng đậu phụ, dưa chua, cà muối, thịt heo, trứng vịt được bày ra; cô đẩy tới đẩy lui trong khu dân cư gần nơi thuê trọ. Người đi thể dục sáng tiện thể ghé vô, kẻ không muốn ra chợ xa thì dừng xe lại khiến gian hàng của Trang luôn đông khách. Các bà rỉ tai nhau nên chẳng bao lâu họ biết hoàn cảnh cô chủ nhỏ, mua bán không chỉ đơn thuần vì nhu cầu mà còn muốn giúp cô.
Trong số khách quen có Đồng. Sáng sớm hay tầm trưa, anh sĩ quan đứng tuổi ấy thường ghé gian hàng của Trang mua mấy thứ thiết yếu cho bữa cơm của ba cha con. Kẻ có chồng theo gái, người có vợ đắm đuối cờ bạc dẫn đến đoạn tuyệt chia lìa; sự tương đồng ấy cho họ gần nhau. Những giây lát Đồng nán lại bên gian hàng chuyện trò với Trang cứ dài ra. Không còn là khách bình thường khi sáng sáng anh đến phụ cô bày hàng ra; chiều muộn lại dọn vô; có khi giúp cô đem đồ tươi sống về gửi tủ lạnh nhà mình; lắm lúc anh làm cuốc xe miễn phí ra chợ đầu mối chở hàng giúp cô… Cả chiếc xe đẩy và mái bạt che mưa nắng cho Trang đứng bán, anh cũng tự làm… Họ thương nhau, dù chàng hơn nàng những mười sáu tuổi, dù cả hai đều nặng gánh con cái.
Đồng chịu khó, chẳng ngại cả những việc tưởng đã mặc định cho các bà như đi chợ, nấu cơm, lau nhà, giặt giũ. Ngại cũng chẳng được khi con gái lớn đi làm rồi học thêm ngoại ngữ, vi tính ban đêm, con gái nhỏ thì học cả ngày, anh vừa làm cha vừa làm mẹ. Ăn uống đạm bạc khiến dáng mảnh khảnh của anh càng khắc khổ. Ly dị vợ, anh gánh đống nợ do người ấy bỏ lại. Để khỏi mất nhà, anh dành phần lớn lương tháng trả cho ngân hàng. Dè xẻn với mình nhưng anh luôn sẵn lòng hào phóng với người; khi có món ngon vật lạ, anh đều chia sẻ với người thân. Anh đã cho cái gì thì khó ai từ chối, bởi việc ấy với anh là niềm vui.
Lời hoa mỹ không song hành với tình yêu tuổi năm mươi, Đồng gửi lòng vào những cử chỉ yêu thương. Yêu người, anh thương luôn cả vật. Những hôm ở lại trực cơ quan rồi ăn cơm bếp tập thể, anh không quên đem ít cơm thừa về cho mấy con gà của Trang. Nhậu ngoài quán, bao giờ anh cũng xin cái túi ni lông để bỏ mớ xương xẩu về cho con chó con mèo cô cưng chiều. Khi được mời đến nhà tôi ăn cơm, anh kém vui, nếu Trang chưa tới. Những lúc ấy anh thường ăn dè, cố kéo dài bữa cơm, mắt cứ hướng ra cửa; nghe tiếng xe máy cùng tiếng mở cổng rèn rẹt là giọng vút lên như reo: “Trang tới!”. Nếu cô vẫn chưa tới, anh nhắc khéo chủ nhà để phần cho người ăn sau: “Mấy món này Trang thích lắm.”
Thương nhau, Trang nhờ Đồng nhiều. Những khi phòng trọ bị mưa dột, thay vì gọi chủ nhà, cô gọi anh. Con trai đi học chưa về hoặc mải chơi game, cô nhờ anh đi tìm; cần đưa đón con gái đi học lại “a lô” cho anh. Trang mải mua bán nên ăn uống thất thường, anh lo cơm nước luôn cho ba mẹ con, có khi xách ra tận quán cho cô. Lắm lúc anh đang uống cà phê hay nhậu với bạn nhưng nghe gọi “Anh ra chợ đầu mối lấy thêm cho em ít đậu phụ” hoặc “Khách cần hai con gà làm sẵn nhưng em bận quá, không làm được…”; thế là anh bỏ dở cuộc vui. Ngày nghỉ, nếu Trang muốn cùng đi đâu, anh dù đang trực cơ quan cũng nhờ người khác trực thay để chiều người yêu. Trang nhờ việc gì anh cũng luôn sẵn sàng: “Được rồi, được rồi”“Để anh, để anh”, liền đó tất bật làm ngay, lại còn ra vẻ thích thú.
Hai gia đình đã qua lại thăm nhau; đám cưới như trong tầm tay nhưng rồi phải dừng. Chính mẹ Đồng đã dựng ba-ri-e cách ngăn đôi lứa bởi bà thấy bạn gái của con không được như ý. Bà ở với con trai út nhưng khi con trai cả nhen nhóm “tập hai”, bà lên ở cùng để tiện “điều nghiên đối tác”. Điều bà đau nhất là con trai bị bạn gái “sai như sai con ở”; đã thế, giọng lại sỗ sàng như ra lệnh. Chưa gì mà xấc xược thế, cưới nhau chắc làm nô lệ cả đời!? Thứ nữa, bà lờ mờ nhận ra Trang không chỉ “song ca” mà còn muốn “tam ca”; bằng chứng là khi bà ngồi trong quán nước đối diện gian hàng của cô, thấy bạn trai cô đến nói chuyện cả buổi, lả lơi và thân mật quá mức. Bà thẳng thắn nói với con những điều ấy; chốt lại là lệnh “cấm vận”. Đồng im, thẫn thờ.
Không cãi lời mẹ nhưng anh vẫn làm theo mách bảo của trái tim. Chẳng chính danh nhưng anh thật sự là bóng tỏa cho ba mẹ con Trang. Người đàn ông vì tình quên mình ấy chấp nhận cả nỗi đau bị người thân xa lánh để được gần người yêu. Sau nhiều lần khuyên con không được, mẹ anh bỏ nhà con cả lên ở với con út để khỏi phải thấy con bị người dưng “sai chạy như đèn cù”. Trước khi bỏ đi, bà nhìn thẳng mặt con, đay nghiến: “Già rồi, lại cán bộ nữa, sao mê muội thế!?”. Nhưng anh không thể hay không muốn vượt lên chính mình. Em trai và em gái Đồng thì bắc cầu để anh quen người phụ nữ khác, những mong anh có mới nới cũ nhưng đáp lại là sự dửng dưng. Các em cũng lắc đầu khi không thể lay chuyển được tình cảm của anh. Đã thế, họ ít đến nhà Đồng; cả tiệc mừng anh được đề bạt, họ cũng chỉ thoáng qua rồi nhanh chóng cáo từ. Cứ nhìn anh thì biết, dại khờ trong tình yêu kể chi tuổi tác.
Như để bù lại những năm tháng đau khổ với chồng cũ vũ phu, Trang cố tận hưởng ngọt ngào do người mới đem lại. Vẻ mặn mà của người đàn bà ngoài ba mươi hình như được cô coi là lợi thế trong quan hệ với Đồng. Cả việc Trang tỏ ra thân mật với trai trẻ cũng là chiêu khiêu khích để anh càng quấn quýt cô hơn. Cứ thấy nàng ở đâu là thấy chàng ở đó, luôn sóng đôi như vệ tinh hút nhau. Giờ thì chàng đã hoàn toàn “thần phục” ý chỉ của nàng. Tôi chưa thấy việc gì Trang bảo mà Đồng từ chối. Khi hai người tranh luận hay bất hòa, bao giờ anh cũng nín nhịn, xuống thang; cùng lắm là lảng qua chuyện khác để vớt vát thể diện. Được thể, Trang càng lấn lướt. Hình như cô lấy việc sai bảo Đồng làm vui; nói năng thì chẳng cần uốn lưỡi. Nhưng với người đàn ông đang yêu này, lời khó nghe của tình nhân chắc là chuyện nhỏ.
Cả khi ốm, Đồng cũng không dứt khỏi nỗi lo xa xăm. Anh đau dạ dày và thoái hóa đốt sống cổ, phải nhập viện nhưng xin điều trị ngoại trú. Tôi bảo: “Bệnh thì vô viện chữa, đi đi về về làm gì!”. Anh nhăn nhó: “Trang bận cả ngày, ai chăm mấy đứa nhỏ!?”. Là nói “con em” đấy; “con anh” thì đứa đã đi làm, đứa học đại học nên ít phải lo. Trang thì chẳng bận tâm, nghe vợ tôi hỏi bệnh của Đồng, cô ngơ ngác: “Thế hả, em đâu biết.”
Tôi bực thay cho Đồng, góp ý về cái tính nhu nhược, lụy tình. Anh ngồi đần mặt, ngại không nhìn thẳng người đối diện. Tôi không dám nói thêm, sợ anh tổn thương.
Vợ tôi chấn chỉnh Trang: “Mày dùng bồ như phá thế thì bền sao được?!”. Cô nói lại: “Ai bảo ổng dại gái!? Mình phải treo cao giá ngọc chứ”. Vợ tôi trề môi: “Ngọc hay ngói?”. Cô vẫn cười cười, vênh váo: “Chiều được thì chiều, còn không thì để thằng khác”. Vợ tôi nổi khùng lên, mắng té tát: “Mày hết thuốc chữa rồi, tình yêu không có chỗ cho tính ích kỷ đâu nhé!”. Nhìn vẻ khỉnh khỉnh của cô em, bà chị cười mỉa:“Mày tìm lớp học yêu nào đó mà ghi tên vào!”
Đồng buồn, hay tìm đến rượu, người xọp đi như cái giá treo áo. Một tối, anh sang nhà tôi, giọng hồ hởi: “Em vừa nhận quyết định điều động lên huyện biên giới, giáp nước bạn”. Tôi thoáng ngạc nhiên, đi xa sao phấn khởi ngời ngời thế; sau thì hiểu nhưng vẫn ái ngại: “Chà, cậu đi xa, hai con nhỏ cũng khó nhỉ…”. Đồng giãi bày: “Công việc trên đó rất cần một người biết tiếng đồng bào bản địa như em. Nhưng lãnh đạo cũng cân nhắc hoàn cảnh cán bộ nên gặp riêng trước khi quyết định. Và em đồng ý. Hai đứa nhà em cũng đã lớn, chúng tự lo cho nhau được”. Đồng ngồi lặng hồi lâu. Trước khi ra về, anh cất giọng trầm buồn, như tự nhủ: “Rồi đến lúc cũng phải vượt qua chính mình thôi”.
Không ngoài dự đoán, vắng Đồng, Trang vất vả hơn xưa. Việc mua bán, lo cho con rồi việc nhà… khiến cô quấn giò. Vợ tôi đành phải giúp em và không còn lạ với những cuộc gọi: “Bữa nay, chị cho hai nhóc nhà em ăn cơm với nhé”; “Chị sang đưa con bé đi học thêm giúp em”; “Khổ quá, học xong rồi mà thằng lớn đi đâu vẫn chưa về…”. Vợ tôi giúp nhưng cứ dằn vặt: “Lúc được người ta thương thì không biết nâng niu, còn tinh tướng; giờ sáng mắt chưa!?”...
Trang cúi mặt, lặng im. Mấy bữa sau, cô rụt rè hỏi tôi số điện thoại mới của Đồng.
NGUYỄN TRỌNG HOẠT