Một đoạn sông Hương sạch sẽ, tươm tất từ dưới sông cho đến trên bãi cỏ nhờ công lao của những “vệ sĩ” sông Hương

Một buổi chiều cuối tuần, cũng như những buổi chiều khác trong hơn hai năm qua, bất kể nắng mưa, một nhóm người phụ nữ ở phường Kim Long, TP. Huế vẫn rủ nhau ra bờ sông Hương để nhặt rác. Công việc lặng lẽ ấy được các chị xem như sứ mệnh: Bảo vệ dòng sông!

 

i lông, vàng mã, vỏ nhựa, bèo… Những thứ rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước trước khi được những đôi bàn tày mềm mại những người phụ nữ lần lượt vớt, kéo lên bờ. “Chiều nào chúng tôi cũng ra đây ngắm sông. Nhìn vậy đau lòng lắm. Chừ không làm, không hành động thì biết kêu ai…”, những người phụ nữ ấy, dù tuổi tác lớn nhỏ khác nhau nhưng có chung tình yêu với dòng sông thơ mộng.

Chiều cuối xuân, nắng nhẹ, bầu trời trong, se lạnh. Khi những chiếc thuyền rồng chở du khách xuôi dòng về thành phố cũng là lúc chị Dần, chị Hương, chị Lan… tay cầm vợt, kẹp, bao tay, túi đựng rác hướng về công viên bờ sông Hương, đoạn ngã ba đường Kim Long – Nguyễn Hoàng – Nguyễn Phúc Nguyên để làm công việc quen thuộc của mình: Vớt rác!

Rác thải được vớt từ sông Hương lên với đủ loại khác nhau từ vàng mã, ni lông, bèo…

Sông Hương thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Nhưng dòng sông chảy qua đoạn này không hiểu cớ làm sao trở nên huyền ảo và lung linh mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Thả mình rồi hít một hơi thật sâu, những người phụ nữ ấy lôi trong túi đựng “đồ nghề” của mình ra rồi cùng nhau đeo bao tay cho nhau trước khi di tản, mỗi người một đoạn, cứ thế cặm cụi nhặt rác từ trên bờ cỏ xuống dưới lòng sông.

 

Rác được đưa vào bao lớn, kéo đến nơi cố định trước khi đưa đi phân hủy

Hì hục kéo những thớ rác vàng mã dày đặc từ áo giấy, vàng mã, hoa đăng… mà con người thả xuống từ đêm hôm qua, chị Trương Thị Dần, 58 tuổi – người lớn tuổi nhất trong những chị em nhặt rác không khỏi buồn lòng. Những thớ rác ấy khi lôi được lên bờ vẫn còn nguyên vẹn vì vẫn còn được bọc trong túi nilông kín mít. “Không biết người ta có vô cảm khi thả rác vô tội vạ xuống sông Hương? Họ nguyện cầu cho bản thân nhưng song có nghĩ làm như vậy cũng là một tội ác bởi ảnh hưởng đến môi trường, sự sống thiên nhiên, những người dân đang thụ hưởng nguồn nước”?, chị Dần ấm ức.

Chị Dần vốn là quân nhân xuất ngũ, dáng người như… vệ sĩ và chị bảo vệ dòng Hương trước những sự vô cảm của không ít người. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, công việc này của chị luôn được chồng con động viên, chia sẻ. Chính điều đó càng thôi thúc người phủ nữ giọng nói xứ Thanh càng quyết tâm, góp sức của mình bảo vệ lá phổi xanh của vùng đất Cố đô…

Càng về chiều, dọc theo bờ sông hướng lên phía thượng nguồn, rác nhiều vô kể. Rác móc vào những hốc cây, chìm xuống dưới đáy sông, nổi lềnh bềnh trên mặt nước… Không ai nói với ai một lời nào, cứ thấy các chị cặm cụi vớt. Có những thớ rác nặng, chìm dưới đáy không còn cách nào khác các chị lặn xuống rồi dùng tay đưa lên.

Có những thớ rác khi vớt lên ám ảnh đến cả tuần. Đó là bỉm tã, hay xác động vật chết mà người ta vô tư vứt xuống dòng sông. Chỉ cần đi từ xa có thể ngửi ngay mùi hôi thối. "Bây giờ thì quen rồi; còn lần đầu, khi vớt trúng những thớ rác như thế về nhà không nuốt nổi cơm", một chị nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều lần mấy chị cứ nhắc lui, nhắc tới bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sông Hương với các chị luôn đẹp một cách đầy mê hoặc, dịu dàng và say đắm. Cũng vì lý do ấy mà các chị không yên phận dửng dưng nhìn con sông mà mình yêu thương bị ai đó bức hại từng ngày.

Vàng mã luôn là nỗi ám ảnh với những “vệ sĩ” sông Hương

 

Những ngày sau này, càng rong ruổi với các chị mới thấy được tình cảm mà không phải ai cũng dành cho sông Hương sâu nặng đến thế. Không một lời than thở, oán trách, tất cả đều xem việc nhặt rác như bổn phận của người con nhỏ với mẹ hiền thiên nhiên.

Một trong những cô gái trẻ của nhóm phụ nữ vớt rác nhưng truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều người đó là Hương Lan. Hình ảnh cô gái trẻ tuổi ngoài 30 cứ chiều chiều lại cùng các chị trong xóm ra sông Hương để tắm mát, vớt rác trở thành quen thuộc đối với nhiều người. Ít ai biết rằng, Hương Lan chính là một trong những người khởi xướng nhóm “Cảm ơn dòng Hương” – kêu gọi nhặt rác bảo vệ sông Hương mà chị thường ví là “người mẹ hiền”.

Từng dẫn du khách nước ngoài đi không biết bao nhiêu chuyến đò ngược xuôi ngắm cảnh sông Hương, cũng là chừng ấy thời gian Hương Lan giật mình trước câu hỏi của du khách: “Sông Hương đẹp thế nhưng sao còn bẩn quá?”. Câu hỏi ấy cứ ám ảnh và thôi thúc Hương Lan lên một chiến dịch nghiêm túc và bài bản như thế.

Vớt rác là việc làm trở thành thói quen hàng ngày của những “vệ sĩ” sông Hương

Dù công việc hướng dẫn viên du lịch khá bận rộn nhưng Hương Lan vẫn dành một khoảng thời gian riêng để về ngồi bên sông, cùng nhau kể những câu chuyện bảo vệ môi trường, chia sẻ những kinh nghiệm nhặt rác mà mình học được từ nhiều nơi với các chị. “Nhờ Hương Lan mà chúng tôi biết nhiều về việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước và xa hơn là bảo vệ dòng sông chảy qua lòng thành phố này”, chị Lê Thị Thanh Hương (51 tuổi) – một người tham gia vớt rác thường xuyên góp chuyện.

Chị Hương nhớ lại, những ngày đầu khi đi vớt rác, nhiều người nghĩ mình “làm màu, làm mè” chẳng ra tích sự gì. Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”, gần như hiểu được công việc thầm lặng ấy nhiều người xin tham gia. Người tham gia đông, nhưng dụng cụ ít vậy là Hương Lan bỏ tiền túi, xin thêm bạn bè để mua nhiều vật dụng vớt rác. Ngay lập tức, bạn bè ủng hộ.

Hương Lan nói: “Mình lớn lên ở đây, uống nước dòng Hương mỗi ngày. Tắm mát cũng ngay dòng sông này. Nhìn mỗi cọng rác ai đó vô tình xả xuống đã thấy đau lòng huống chi những bịch rác nặng chìm dưới đáy sông”.

 

Dòng Hương sạch, trong là điểm đến không thể bỏ qua của Huế, rất cần sự chung tay của người dân để giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

Không chỉ vớt rác, nhóm phụ nữ này còn phân loại rác. Những loại rác hữu cơ được họ để riêng bón ngay cho cây xanh. Chính nhờ sự kiên trì của mình và nhiều người khác, giờ đây khúc sông mà ngày ngày Hương Lan ra tắm gần như không có sự hiện diện của rác, trả lại sự trong xanh, sạch đẹp vốn có của dòng Hương.

Nội dung: Phan Thành, Lê Thọ - Ảnh: Nhật Minh, Nông Thanh Toàn

Thiết kế: Minh Quân