Nhân viên người Pháp (bên trái) và người Việt Nam làm việc trong công ty công nghệ thông tin Linkbynet của Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: AFP
Nền kinh tế Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất khu vực trong năm 2017, khi chứng kiến mức tăng trưởng 6,8%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và số lượng người dùng Internet ngày càng tăng đã thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Việt Nam hiện có 54% dân số sử dụng Internet và con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng vạch ra kế hoạch củng cố sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách đưa ra các sáng kiến khác nhau.
Với tiềm năng như vậy trong nền kinh tế kỹ thuật số, kết hợp với triển vọng kinh tế tươi sáng, không có gì lạ khi Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech).
Dữ liệu từ tạp chí Vietnam Briefing cho thấy, 39.580 doanh nghiệp khởi nghiệp đã vào thị trường Việt Nam chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017, tăng 14% so với quý I năm 2016. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghệ tài chính trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư, với số vốn lên tới 129 triệu USD trong năm 2016.
Trong vài năm qua, hệ sinh thái công nghệ tài chính ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Fintech ở Việt Nam cũng rất đa dạng, khi các công ty khởi nghiệp tập trung vào tất cả các lĩnh vực của công nghệ tài chính, từ cho vay ngang hàng và chấm điểm tín dụng đến thanh toán di động và nhiều lĩnh vực khác.
Một lý do khiến Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các công ty khởi nghiệp fintech là sự hỗ trợ của Chính phủ.
Năm 2016, Chính phủ đã thành lập Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC). NATEC là một đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm đào tạo, cố vấn, ươm mầm doanh nghiệp và tăng tốc, cũng như hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp mới.
Chính phủ Việt Nam cũng có các chương trình thuế đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với những điều kiện nhất định.
Hơn nữa, cũng có nhiều chương trình tăng tốc khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chẳng hạn như, Công ty cổ phần Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) đã đầu tư 6 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp để hỗ trợ xây dựng các công ty toàn cầu tại Việt Nam.
Do đó, các khoản đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đang đổ vào các công ty công nghệ tài chính Việt Nam. Trong năm 2017, Đối tác đầu tư Hàn Quốc (KIP), công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Hàn Quốc và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Mirae Asset đã đầu tư 10 triệu USD vào nhà phát triển ứng dụng di động Việt Nam Appota.
Ngay cả những tập đoàn toàn cầu như Alibaba cũng đang khai thác sự phổ biến của công nghệ tài chính tại Việt Nam. Samsung Pay gia nhập thị trường Việt Nam sau một thỏa thuận với Công ty Cổ Phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Không lâu sau, Alibaba ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với NAPAS để cho phép khách du lịch Trung Quốc sử dụng Alipay khi đi du lịch khắp Việt Nam.
Việt Nam phát triển từ một nền kinh tế dựa trên nền nông nghiệp sang một nền kinh tế hiện có sự phát triển của công nghệ tài chính ấn tượng nhất trong khu vực. Có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy Việt Nam nổi lên như một Thung lũng Silicon của khu vực, bài viết trên tờ The ASEAN Post nhận định.
Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)