Ngay sau khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn chủ động triển khai phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường địa phương và các đơn vị chức năng để tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu.
Người tiêu dùng không nên hoang mang, lo ngại khi sử dụng thịt lợn
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ dẫn đầu tới các địa phương đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp thực hiện biện pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang, lo ngại khi sử dụng thịt lợn, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, những quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.
Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu nguồn hàng từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ...
Với những giải pháp ứng phó được Bộ Công Thương thực hiện chủ động, hiệu quả, cùng sự chung tay của các bộ, ngành hữu quan, hoàn toàn có thể tin rằng cân đối cung - cầu thị trường, sản lượng và quyền lợi của người chăn nuôi sẽ được bảo đảm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo congthuong.vn