Hạt Kiểm lâm A Lưới diễn tập phòng chống cháy rừng
Nhìn từ A Lưới
Trạm bảo vệ rừng (BVR) A Roàng có 5 người lúc nào cũng “cơm đùm gạo bới”, xoong nồi lỉnh kỉnh vào tận rừng sâu, những nơi có nguy cơ dễ cháy. Lúc cao điểm, có khi tuần tra, giám sát rừng cả tuần đến 10 ngày, nhiều lúc thiếu hụt lương thực phải ăn tạm củ, quả rừng. Đi tuần tra đã gian nan, vất vả, các lực lượng còn vác theo bàn dập lửa, dao rựa để phát quang, thu dọn lá, củi khô dễ bốc cháy.
“Chuyện tuần tra rừng là “nghề” của lực lượng kiểm lâm. Nếu để xảy ra cháy, hoặc không phát hiện, ngăn chặn kịp thời đám cháy thì nguy cơ lây lan nhanh gây thiệt hại rất lớn. Vào mùa nắng nóng, nhân lực, phương tiện, thiết bị luôn được sẵn sàng và mọi người thay phiên túc trực, tuần tra 24/24 giờ tại các khu rừng”, ông Nguyễn Văn Xiêng, nhân viên bảo vệ rừng thuộc Trạm BVR A Roàng nói.
Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) huyện A Lưới cho rằng, quản lý, BVR không chỉ bảo vệ an toàn cho những cánh rừng mà cả an toàn tính mạng con người. Rừng A Lưới hầu hết nằm ở các đồi núi, dốc quanh co, hiểm trở, nếu bất cẩn rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đều có nhiều năm gắn bó, trải qua nhiều kinh nghiệm, song vào đầu năm, ngành kiểm lâm huyện vẫn tổ chức tập huấn các kỹ năng BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) gắn với các kỹ năng bảo vệ an toàn tính mạng.
Tuyên truyền lưu động phòng chống cháy rừng
Quá trình BVR, PCCCR được xác định không chỉ có lực lượng kiểm lâm mà vai trò của chính quyền các địa phương và người dân luôn được chú trọng. Ngay từ đầu năm, HKL (cơ quan thường trực) yêu cầu kiểm lâm địa bàn, các trạm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai họp cụm dân cư, tổ chức ký cam kết với cộng đồng dân cư, thôn bản, hộ gia đình tham gia PCCCR. Quá trình sinh sống, sản xuất nếu phát hiện có dấu hiệu cháy, người dân báo tin ngay cho cơ quan chức năng, đồng thời tham gia cùng với các lực lượng triển khai các biện pháp dập tắt đám cháy.
Phòng là chính
Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để huy động nguồn thu và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đảm bảo theo quy định. Diện tích rừng được chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh hơn 153 nghìn ha rừng thuộc 9 chủ rừng là các tổ chức Nhà nước, HKL và 564 chủ rừng là nhóm hộ, cộng đồng, hộ gia đình với tổng số tiền chi trả 50 tỷ đồng, đạt 98,62% so với kế hoạch. Đây là một trong những biện pháp góp phần quản lý, BVR, PCCCR hiệu quả. |
Từ đầu năm, HKL các huyện, thị xã, TP. Huế củng cố hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt trong quá trình chỉ huy và triển khai các biện pháp PCCCR. Các phương tiện, dụng cụ phục vụ PCCCR của các đơn vị chủ rừng được chuẩn bị sẵn sàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng phó khi có dấu hiệu cháy rừng. Các đơn vị chủ rừng trên điạ bàn đã tu sửa, xây dựng mới các công trình phục vụ quản lý, BVR, PCCCR.
Công tác tập huấn nghiệp vụ và tổ chức diễn tập PCCCR cho đội ngũ dân quân tự vệ địa phương và lực lượng PCCCR của các thôn, bản, chủ rừng, các hộ gia đình và nhân viên bảo vệ rừng được triển khai từ đầu mùa nắng nóng. Các xã, thị trấn củng cố và duy trì lực lượng chữa cháy tại các thôn, bản; xác định các vùng trọng điểm cháy và điểm lấy nước chữa cháy, đường đi của các lực lượng tiếp cận điểm cháy. Các lực lượng thực hiện chế độ trực hàng ngày trong thời gian nắng nóng, có nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, hầu hết các huyện, thị xã, TP. Huế triển khai các biện pháp PCCCR ngay từ đầu năm. Qua kiểm tra, giám sát tại các chủ rừng cho thấy, các đơn vị, địa phương rất nghiêm túc và chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện PCCCR; trong đó lấy phương châm “phòng là chính”.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ dẫn đến việc triển khai hoạt động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hình thức tuyên truyền đơn điệu, chưa thật sự thu hút người dân. Một số nơi thường xuyên xảy ra tình trạng đốt nương làm rẫy, đốt thực bì để trồng rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Người dân đốt xử lý thực bì, vệ sinh rừng sau khai thác nhưng không báo với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn có biện pháp hướng dẫn xử lý, giám sát khiến nguy cơ cháy rừng rất cao.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU