Vinamilk cùng các đại diện công ty được xếp hạng “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” trên sân khấu sự kiện. Ảnh: sggp.org.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nói trong cuộc họp cải cách tiền lương vào giữa tháng ba rồi, đại ý rằng: “Khối tư nhân một người làm nhiều việc; khối Nhà nước một việc hai, ba người”. Tức là có sự khác nhau trong cách thức vận hành giữa hai khối. Phó Thủ tướng nói cụ thể hơn: “Khối tư nhân một người kiêm giúp việc, thư ký, lái xe trong khi khối Nhà nước một vị trí mà tới hai biên chế…”.

Theo tôi, sự khác nhau này sinh ra từ tính chất sở hữu. Sở hữu của khối tư nhân là sở hữu tư - “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Đố mà khối tư nhân làm cái gì mà không hiệu quả. Nếu khi làm, gặp phải rủi ro, tức là không hiệu quả (hoặc chưa hiệu quả) họ sẽ kịp thời điều chỉnh, vì nếu không điều chỉnh kịp thời họ sẽ gặp ngay rủi ro; có khi không vực dậy được. Đó cũng là lý do họ có những tính toán chi ly, hiệu quả. Có những lúc hết sức táo bạo nhưng cũng có những lúc lui về “phòng thủ”. Họ theo dõi hết sức sát sao nhịp điệu thị trường. Chúng ta hay nghe con số thống kê, thời gian này có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới và có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động… chính là khối tư nhân đang theo nhịp điệu thị trường đấy. Giải thể không có nghĩa là họ không còn hoạt động trong lĩnh vực kinh tế mà có thể họ chuyển hướng sang một lĩnh vực khác. Con số này không hề ít.

Vì thế theo tôi, chúng ta cũng đừng nên băn khoăn nhiều lắm về con số này. Tôi có quen biết một số doanh nghiệp tư nhân và nhận thấy họ cực kỳ năng động. Họ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên có một lợi thế là quản lý một nguồn đất đai rộng lớn. Ban đầu họ chỉ kinh doanh phân bón nhưng sau đó nhờ lợi thế về đất, họ chuyển sang phát triển rừng, mở rộng chăn nuôi. Khi phát triển được chăn nuôi họ lại lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác như nhà hàng, tiệc cưới… để chủ động tiêu thụ nguồn sản phẩm mà mình tạo ra. Từ 1-2 lĩnh vực ban đầu, giờ họ đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Chúng ta không khó tìm thấy những ví dụ như vậy trên thị trường. Nói chung là khối tư nhân năng động. Muốn có sự năng động buộc họ phải luôn luôn suy nghĩ, xoay xở và tìm cách thích ứng. Mục tiêu hiệu quả luôn là mục tiêu tối thượng mà họ theo đuổi.

Sở hữu của khối Nhà nước là sở hữu công. Tức là tiền của không phải riêng ai. Chính vì vậy họ ít có động lực để bảo vệ, làm cho nó sinh sôi nảy nở. Thậm chí, trong cái sở hữu chung ấy, có nhiều người, thường có một quyền nào đấy, họ còn tìm cách để “chiếm hữu” một phần khối tài sản chung ấy. Chính vì vậy, hiệu quả chưa hẳn là cái tối thượng mà họ theo đuổi. Doanh nghiệp Nhà nước chưa chắc đặt nặng vấn đề theo đuổi hiệu quả kinh doanh; cơ quan quản lý Nhà nước hoặc một đơn vị sự nghiệp công lập chưa hẳn gì theo đuổi hiệu quả công việc… !?

Xét về mặt sở hữu, hai khối này khác nhau về cơ bản. Khác nhau về sở hữu nên sinh ra động lực khác nhau, mục tiêu khác nhau, cách thức quản lý vận hành… khác nhau. Và đương nhiên hiệu quả sẽ khác nhau.

 Thứ đến là cấu trúc bộ máy. Khối tư nhân khó mà tìm thấy sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Ai được phân công việc gì thì ra việc đó. Mọi việc đều được định lượng chứ không thể định tính. Vì vậy, ai làm hiệu quả hay không hiệu quả chỉ nhìn vào khối lượng công việc sẽ biết ngay ai làm tốt ai làm dở, ai đáp ứng được yêu cầu công việc và ai không. Đối với những doanh nghiệp sở hữu một nền tảng quản trị doanh nghiệp tiên tiến thì việc vận hành bộ máy càng phát huy hiệu quả. Ở đây, có một vấn đề khác là đối với khối tư nhân, họ thiết kế chính sách (nhiều loại chính sách) luôn gắn liền giữa công việc – hiệu quả - quyền lợi. Nói ngắn gọn: làm ra nhiều tiền thì được hưởng nhiều. Hết sức rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy họ tạo ra được một động lực rất lớn cho người lao động (từ quản lý đến nhân viên).

Khối Nhà nước không được như vậy. Do cấu trúc có nhiều ràng buộc, thậm chí là chức năng nhiệm vụ chồng chéo… nên họ không thể xoay xở nhanh được. Có những việc muốn làm cũng không thể làm nhanh được. Đó là chưa nói đến việc, vì những lý do nào đó mà họ không muốn làm nhanh. Chính vì vậy, thời gian gần đây, khối Nhà nước: từ kinh tế đến quản lý Nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công có những cải cách nhất định nhưng chúng ta vẫn thấy chậm. Cấu trúc của khối Nhà nước không cho thấy cụ thể, rõ ràng giữa công việc – hiệu quả - quyền lợi. Một ví dụ nhỏ này thôi: một người dù có năng lực đến bao nhiêu cũng không thể làm thêm vượt quá 200 giờ một năm (luật định). Đó là chưa nói định mức công việc không phải là cao so với mặt bằng thị trường. Vì vậy, dù có năng lực tới đâu cán bộ cũng không thể “cống hiến” hơn được nữa.

Tất nhiên, cái chuyện, khối tư nhân “một người nhiều việc” còn khối Nhà nước “một việc hai ba người” không chỉ phụ thuộc vào hai yếu tố nêu trên là sở hữu, cấu trúc và hiệu quả mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như chính sách đưa ra không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Có một câu hỏi để kết thúc bài viết này: cũng là khối Nhà nước, nhưng tại sao có nhiều nước tổ chức vận hành hết sức hiệu quả?

Có lẽ chúng ta phải học họ. Điều kiện hoàn cảnh, trình độ có khác nhau nên không thể áp dụng nguyên xi nhưng có thể lọc ra những gì phù hợp mà áp dụng. Mọi sự cải tiến đều phải trải qua một quá trình, nhưng nếu không bắt đầu thì không bao giờ đi đến đích.

LÊ PHƯƠNG