Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí độc hại khác ra môi trường

Trước khi diễn đàn bắt đầu những người tham gia diễn đàn đến từ nhiều nơi khác như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã có hành trình trải nghiệm đạp xe quanh Huế. Để rồi từ đó bàn luận các vấn đề làm sao thay đổi cách thức giao thông, hạ tầng, phân luồng hợp lý, hay nâng cao ý thức tham gia giao thông không còi xe, nhường đường cho người đi bộ, và tìm lời giải làm sao để nhiều người thích xe đạp.

Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí độc hại khác ra môi trường. Có thể xem các phương tiện dùng sức người, sức kéo của động vật, các năng lượng tái tạo là phương tiện giao thông xanh, vì chúng không thải hoặc thải ít CO2 ra môi trường. Đi bộ, đi xe đạp và sử dụng các loại xe dùng sức đẩy khác hay sử dụng các phương tiện dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió là tham gia giao thông xanh. Ngoài ra, xe buýt tuy vẫn dùng nhiên liệu xăng dầu là chủ yếu nhưng vì lượng khí thải CO2 trên đầu người thấp hơn so với các loại phương tiện khác vì thế cũng được coi là phương tiện giao thông xanh.

KTS Đinh Đăng Hải - Chuyên gia cao cấp Health Bridge Canada từng thực hiện nhiều dự án liên quan đến giao thông xanh nhiều nơi trên thế giới cho rằng Huế là thành phố rất đẹp, có khả năng đi bộ và xe đạp rất tốt. Thế nhưng, cũng như nhiều thành phố khác trên cả nước và thế giới, chưa bao giờ việc đi bộ và xe đạp gặp nhiều khó khăn như thế. Có thể đưa ra lý do xe đạp là phương tiện của người nghèo, tốn kém thời gian đi lại. Ngược lại, việc đi xe đạp có rất nhiều lợi ích như môi trường trong sạch, tăng sức khỏe và xa hơn là lợi ích kinh tế. “Hội An là một dẫn chứng, với bán kính 5 km thành phố này đã áp dụng khá thành công giao thông xanh. Yếu tố mà Hội An có thì Huế cũng đang có, và Huế có thể làm được”, KTS Hải nhìn nhận.

Trước lo ngại thời tiết Huế mưa nhiều tạo nên rào cản cho người đi xe đạp, KTS Hải cho rằng nhiều nơi cũng có thời tiết tương tự nhưng vẫn áp dụng được mô hình đi xe đạp. Vấn đề là ở chính quyền, cần quan tâm hơn nữa trong việc trồng cây, tạo bóng mát, có những làn đường riêng, khu vực hạn chế tốc độ….

Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, cần tìm cách để mọi người tìm đến xe đạp một cách thích thú, trở thành thói quen và xem việc đó là “đẳng cấp”. Bởi lẽ ở Huế mật độ giao thông không cao, bán kính không quá lớn. Nếu làm được điều này Huế sẽ tạo nên một dấu ấn, và là mô hình để nhiều thành phố khác trên các nước học theo. Tuy nhiên, muốn làm được việc này, cần phải có một chiến lược truyền thông, xây dựng được ý thức văn minh, lịch sự.

Cùng với đó, phải phát triển hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông theo quy hoạch được phê -duyệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào thiết kế, xây dựng khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông….

Chưa hết, tiếp tục xây dựng thêm nhiều tuyến phố đi bộ, khuyến khích cộng đồng tham gia giao thông bằng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xe điện và đi bộ, đồng thời khuyến khích việc đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao và xe buýt nhanh.

Ở góc độ tài chính, chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam cho rằng, xe đạp là phương tiện di chuyển làm cho cách sống tốt hơn, giảm được rất nhiều chi phí. “Đi ô tô chi phí xã hội rất lớn, trong khi đó đi xe đạp giảm được rất nhiều chi phí cho xã hội. Bạn bè tôi đã bắt đầu chuyển từ ô tô sang xe đạp, đó không phải là vì mình nghèo, mà đó là chuyển phong cách sống, tạo nên giá trị cho xã hội, tiết kiệm được cho bản thân, gia đình”, ông Nam đúc kết. Xa hơn, giảm được chi phí xây dựng quy hoạch đường sá, hạn chế được tai nạn.

TS Đặng Minh Nam, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh, cho rằng những ý tưởng này có tính khả thi cao. Viện sẽ bắt tay nghiên cứu để hình thành nên một “bộ khung” định hình đô thị Huế rất riêng.

Bài, ảnh: Nhật Minh