Thị phần xuất khẩu chưa cao
Theo Bộ NN&PTNT, trong lĩnh vực chăn nuôi, Việt Nam hiện mới chủ yếu xuất khẩu được thịt lợn sữa đông lạnh, mật ong, trứng gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa; trong khi, thịt lợn tươi vẫn gặp nhiều rào cản xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, hiện mới chỉ có 1 DN xuất khẩu được thịt lợn tươi đông lạnh sang thị trường Myanmar. Tuy nhiên, khối lượng xuất đi cũng không nhiều, trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 100 tấn. Giá trị xuất khẩu toàn ngành chăn nuôi năm 2018 chỉ dừng ở con số 550 triệu USD. So với tổng giá trị xuất khẩu nông sản năm 2018 là gần 41 tỷ USD, có thể nhận thấy, đóng góp của ngành chăn nuôi không quá lớn. Nếu tính riêng xuất khẩu thịt lợn, con số này thậm chí còn thấp hơn.
Pha lóc thịt lợn tại Tổ hợp chăn nuôi của Tập đoàn Masan
Dù chiếm thị phần không lớn, tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại 20/63 tỉnh, TP cũng ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam. Giám đốc điều hành Khối chăn nuôi Tập đoàn Mavin Phạm Cao Bằng cho biết, kể từ khi Việt Nam công bố dịch tả lợn châu Phi thì một số quốc gia cũng tạm ngừng nhập thịt lợn và các sản phẩm từ lợn của nước ta cho đến khi hết dịch. Nhưng hệ lụy không chỉ dừng ở việc thịt lợn đông lạnh tạm thời bị “đóng cửa” với thị trường xuất khẩu, mà dịch tả lợn châu Phi còn tạo điều kiện để thịt lợn từ các quốc gia chưa phát hiện dịch thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Điều này đến từ chính tâm lý lo ngại của một bộ phận người tiêu dùng trong nước đối với nguy cơ lây nhiễm vi rút dịch tả lợn, mặc cho những nỗ lực của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành và nhiều địa phương để người dân không “quay lưng” với thịt lợn.
Thúc đẩy chuyển dịch ngành chăn nuôi
Năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu cho ngành NN&PTNT phải xuất khẩu nông sản đạt 43 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT đã đặt chỉ tiêu xuất khẩu cho lĩnh vực chăn nuôi là khoảng 1 tỷ USD, tức là cao gần gấp đôi tổng giá trị xuất khẩu năm 2018. PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: "Dù tỷ trọng xuất khẩu thịt lợn hiện chiếm thị phần chưa lớn trong tổng giá trị xuất khẩu, tuy nhiên, dịch tả lợn sẽ khiến xuất khẩu thịt lợn trong năm 2019 mất nhiều thời gian hồi phục, chứ chưa nói tới khả năng bứt phá". Cũng bởi vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với ngành chăn nuôi lợn hiện nay là tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh những thách thức cho lĩnh vực xuất khẩu thịt lợn, dịch tả lợn cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi đối với định hướng phát triển của ngành chăn nuôi. Thực tế hiện nay, năng lực sản xuất thịt lợn của Việt Nam đã vượt nhu cầu trong nước. Chính vì vậy, các sản phẩm chăn nuôi không chỉ cần bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, mà còn phải hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các DN tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi lợn. Đến nay, một số chuỗi giá trị khép kín thịt lợn đã bước đầu được xây dựng tại Hà Nam, Nam Định... Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết, dần loại bỏ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Đồng thời, tập trung ổn định thị trường và bảo đảm sản xuất an toàn thực phẩm. Có như vậy, mới có thể thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt lợn nói riêng.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt 5,5 tỷ USD (giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, giá trị xuất khẩu của ngành chăn nuôi, bao gồm cả thịt lợn, đạt khoảng 77 triệu USD (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng giá trị xuất khẩu nông sản giảm so với cùng kỳ được Bộ NN&PTNT giải thích là do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài. 'Việc thúc đẩy xu thế tiêu dùng thịt mát không chỉ mang đến cho người Việt những sản phẩm thịt thơm ngon, an toàn, chất lượng hơn, mà còn mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu thịt lợn của các DN sản xuất trong nước. Đây cũng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng hướng đến trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp, quản lý theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường. " - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Theo Kinh tế & Đô thị