Nếu so với năm 2017 (chưa có bảng xếp hạng PCI năm 2018) – năm mà Thừa Thiên Huế xếp đầu nhóm địa phương có chỉ số PCI ở mức trung bình – chỉ số này đã cho thấy tính phấn đấu và cần sự nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra trong bảng tổng sắp. Đương nhiên, thứ hạng là điều quan trọng, song điều quan trọng hơn là chất lượng được ghi nhận từ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh qua các chỉ số thành phần (bao gồm gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý).

Trong cái nhìn tương đối toàn cảnh trong 8 lần xếp hạng kể từ 2010, PCI của tỉnh nhà có 2 lần lọt vào nhóm tốt (2010 và 2011); 1 lần đứng trong nhóm rất tốt (2013) và 4 lần đứng chân trong các địa phương thuộc nhóm khá (2012, 2014, 2015 và 2016) và lần tụt hạng thuộc về năm 2017. Cho dù điểm cố định ở những năm sau có thể nhiều hơn năm trước, chẳng hạn điểm số PCI năm 2017 tăng 2,69 điểm so với 2016; một số điểm của chỉ số thành phần có tăng, chẳng hạn như các chỉ số “tính năng động”, “đào tạo lao động”, “tính minh bạch” tăng lần lượt 36, 10 và 11 bậc theo thứ tự nhưng xếp hạng PCI giảm 6 bậc so với năm trước đó. Nghĩa là cũng đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương để chứng thực sự thay đổi về môi trường đầu tư. Điều này càng rõ rệt hơn khi kết quả PCI thường niên là một căn cứ quan trọng để “cung cấp những thông tin độc lập, khách quan về môi trường kinh doanh cấp tỉnh, là cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan Nhà nước, qua đó tạo động lực liên tục để bộ máy chính quyền địa phương thay đổi, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế theo hướng tốt hơn” như cách mà ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ. Mặt khác, việc sắp xếp, điều chỉnh trọng số trong các chỉ số thành phần, bổ sung thêm 24 chỉ tiêu mới trong năm 2017 như một cách để nắm bắt được những thách thức mới trong môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải; phản ánh tốt hơn tinh thần của các cải cách lớn gần đây và truyền tải tốt hơn những ưu tiên chính sách cho lãnh đạo chính quyền địa phương… cũng đã làm thay đổi đáng kể kết quả của bảng xếp hạng. Rõ ràng, PCI không phải là sự theo đuổi để cải thiện ở một vài chỉ số, điểm thành phần mà đòi hỏi sự thay đổi, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế một cách liên tục từ bộ máy chính quyền địa phương.

Với mục tiêu được đặt ra cho năm 2019, những vấn đề mà Thừa Thiên Huế xác định là xây dựng và duy trì vị trí dẫn đầu chính phủ điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh trong việc hướng đến tính thân thiện, an toàn, công khai minh bạch, khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp tục giảm đầu mối và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Lê Nguyễn An Nhi