Ngoại trừ các DN FDI ít có quan hệ với các NH nội,  thường vay vốn từ các ngân hàng nước ngoài với những ưu đãi mang tính truyền thống, với những mối quan hệ từ trước do công ty mẹ đã tạo dựng, nhu cầu tiếp cận với nguồn vốn với các tổ chức tín dụng đa phần đều từ các DN trong nước. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, việc tiếp cận vốn của ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào uy tín, quan hệ giữa DN với ngân hàng đó, vào cả tài sản thế chấp mà DN có. Trong khi đó, những nguyên nhân cố hữu khiến các DN (nhất là DN vừa và nhỏ) khó tiếp cận vốn NH là tài chính không minh bạch, thiếu thông tin cụ thể, không có tài sản thế chấp, xác thực về tiềm năng vay...lại là cái nhìn khác từ các tổ chức tín dụng. Đây cũng mới chỉ là những vấn đề dễ thấy nhất trong hoạt động này ở một biên độ rộng trong hoạt động tín dụng nói chung. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đây cũng là vấn đề đã được nhận diện, cho dù không phải lúc nào những bất cập cũng có thể được giải quyết ngay được, song nhiều chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ các DN trong cải cách thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật và nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận,các nguồn tài chính phù hợp...là điều đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện để tạo điều kiện cho các DN chuyển động tốt hơn. Điều này, phần nào đó đã khắc phục được những vấn đề tồn tại và bất cập trong mối quan hệ giữa DN với NH và ngược lại và thúc đẩy quá trình phát triển.
 
Mới đây nhất, hội thảo – toạ đàm với tiêu đề “Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến quan hệ tín dụng với ngân hàng” đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Chi nhánh ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức với sự tham gia, nêu vấn đề và thảo luận của nhiều DN trên địa bàn. Những ý kiến đưa ra chưa phải là tất cả, nhất là trong khuôn khổ của một cuộc hội thảo - toạ đàm, song đây cũng được xem như là những nỗ lực đầu tiên của Chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp. Mục đích mà chương trình này hướng đến là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.
 
Với sự gắn kết được tạo dựng này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho từng khách hàng cụ thể; đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời đạt được những mục tiêu tăng trưởng tín dụng có hiệu quả. Mặt khác, hoạt động này cũng sẽ nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đối với cộng đồng cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
 
Các DN, từ chương trình kết nối này, sẽ có thêm điều kiện để tháo khó, có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp xúc với các nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để không chỉ duy trì, phục hồi mà còn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, những khó khăn về vốn, chi phí lãi vay sẽ được giảm bớt. Qua đó, nâng cao năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh sẽ được tăng thêm.
Đây cũng là những điều được DN nói chung và cộng đồng nói riêng kỳ vọng.
Hạnh Nhi