Chính sách tài khóa ngày càng thu hẹp

Theo PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong năm 2019, Việt Nam có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế thế giới như: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, khi các sản phẩm từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường và tác động tích cực đến kim ngạch thương mại song phương và đa phương. Bên cạnh đó, dòng đầu tư quốc tế cũng có thể có sự dịch chuyển từ điểm đến là Trung Quốc sang các quốc gia khác, tăng cơ hội cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt của Mỹ... Tuy vậy, kinh tế Việt Nam năm 2019 cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức.

PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

“Đó là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới, là những rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh như kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, chưa được thực thi một cách quyết liệt và thực chất, kết quả sản xuất khu vực tư nhân còn rất yếu và còn nhiều rào cản. Dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp cũng là thách thức với nền kinh tế Việt Nam 2019”, PGS. Tô Trung Thành chỉ rõ.

Mặt khác, việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng cũng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện.

“Thậm hụt ngân sách và nợ công gia tăng khiến dư địa cho chính sách tài khoá ngày càng thu hẹp, khiến doanh nghiệp luôn đối diện với rủi ro tăng thuế phí, cản trợ sự cải thiện của môi trường kinh doanh”, PGS. Thành lo ngại.

Do đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng tốt như năm 2018 trong khi lạm phát năm 2019 có thể sẽ cao hơn năm 2018 do có những sức ép gia tăng. Sản lượng hiện đang ở mức cao hơn sản lượng tiềm năng, nên việc cố gắng duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019 có thể gây thêm sức ép đến lạm phát. Lạm phát cơ bản ổn định và thấp do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng như giá điện, giá dịch vụ y tế, giá xăng...

Còn theo TS. Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dù tình hình tài khoá đang được củng cố nhưng mức nợ tăng làm tăng thêm rủi ro đối với tăng trưởng và ổn định trong tương lai. Nỗ lực tăng thu nhưng đã xuất hiện thách thức bởi một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu thuế như giá dầu thấp làm giảm doanh số bán dầu, tự do hoá thương mại làm giảm thuế xuất nhập khẩu, thay đổi chính sách thuế nhằm đẩy mạnh đầu tư tăng trưởng...

TS. Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

“Củng cố tài khoá gây áp lực lên các khoản đầu tư của Chính phủ. Hiện các khoản chi của Chính phủ chiếm tỷ lệ lớn so với GDP, nếu tiếp tục cắt giảm đầu tư mà không cải cách sẽ ảnh hưởng xấu lên tăng trưởng”, TS. Sebastian Eckardt cảnh báo.

Đại diện WB tại Việt Nam dự báo, tài chính công vẫn sẽ eo hẹp trong thời gian tới bởi chi lương tăng mạnh. Tổng chi lương của Chính phủ cao hơn trung bình khu vực, tỷ lệ này so với GDP gấp 2 lần Indonesia, Hàn Quốc, gấp 3 lần Singapore...

“Việt Nam dù đạt kết quả chi tốt nhưng vẫn chưa triệt để tiết kiệm tại nhiều ngành. Mức độ phi tập trung hoá chi đầu tư cơ bản tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Hiện Trung ương chỉ còn quản lý một khoản chi đầu tư cơ bản không lớn, do đó dẫn đến lo ngại về đầu tư cho các công trình quốc gia và tiết kiệm chi nhất là trong bối cảnh điều phối giữa các cùng còn kém. Các dự án quá dàn trải, phối hợp kém giữa ngân sách và kế hoạch cả nước và kế hoạch phát triển ngành, dẫn đến chậm trễ, cắt giảm quy mô, chậm thanh toán”, TS. Sebastian Eckardt cho hay.

Tăng cường chính sách trọng cung

Theo PGS. Tô Trung Thành, để giải quyết những thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2019, Chính phủ cần tăng cường chính sách trọng cung, phát triển kinh tế tư nhân.

“Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng, mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra được những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng”, PGS. Tô Trung Thành nói.

Bên cạnh đó, cần thay đổi chính sách ưu đãi cho khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể là giảm dần việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế một cách tràn lan, “xé rào” ở các địa phương; rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế đối với các dòng vốn FDI kém chất lượng.

“Cần tăng cường khả năng chống đỡ tốt hơn những cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời, cần cải cách hệ thống thuế nhằm giảm bớt gánh nặng thuế khóa, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và cân bằng”, PGS. Tô Trung Thành khuyến cáo.

Đặc biệt, cần cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng ổn định và gia tăng hiệu quả đầu tư phát triển, chỉ bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước cho những công trình thật sự cần thiết, có hiệu quả cao. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công nhằm chống dàn trải, lãng phí, thất thoát, tham nhũng…