Thấy đoàn tàu đã “sừng sững”, đang hụ còi chuẩn rời ga, tôi ba chân bốn cẳng chạy, mà e vẫn cầm chắc lỡ chuyến, vì nhân viên đang đóng các cửa lên xuống. Thật may toa tàu gần nhất, cậu nhân viên vẫn cố ý mở cửa, rồi nhanh nhẹn xách hành lý giúp. Tôi vừa lên cũng là lúc tàu chuyển bánh. Chờ tôi hổn hển thở một lúc cho hoàn hồn, cậu nhân viên hỏi “ghế của chị ở toa nào”? Trong lúc lục tìm vé dưới đáy túi xách để xem số toa số ghế, tôi lôi luôn điện thoại ra, mới thấy 16 giờ 10 phút. Có điều gì đó “sai sai”, tôi ngơ ngác hỏi: “Ủa, chẳng lẽ tàu chạy sớm hơn giờ hả em? Vé ghi 16 giờ 20 phút mới chạy nè. Vừa giải thích hôm nay tàu đến Ga Huế muộn nên cũng chạy muộn giờ, đồng thời xem vé của tôi, cậu nhân viên bảo: “Chị nhầm chuyến rồi. Đây là tàu SE4, còn chị mua vé tàu SE2”.

Trời ạ, vừa mới hoàn hồn vì không bị muộn tàu trong tích tắc, giờ đây tôi lại ngao ngán, mặt dài thượt bởi “nguy cơ” phải xuống ga Đông Hà (đến ga Đông Hà tàu dừng để tiễn, đón khách) ngồi chờ chuyến tàu SE2 mà mình đã lấy vé, hoặc mất tiền "oan" để mua vé bổ sung cho chuyến đi này, vì theo nguyên tắc là phải vậy. Lỗi do tôi biết trách ai bây giờ!

Lúc đó, một nhân viên lớn tuổi cũng vừa đến. Nghe xong câu chuyện, hai nhân viên trao đổi với nhau. Anh nhân viên lớn tuổi bảo cậu nhân viên trẻ: “Thôi cậu xem có chỗ nào còn trống chỗ, đưa chị ấy vào ngồi. Chị cũng đã mua vé rồi, chỉ vì bất cẩn lên nhầm chuyến, nên linh động giải quyết, cứ coi như tạo điều kiện để chị khởi hành sớm hơn". Rồi anh ân cần, nhẹ nhàng nhắc: "Lần sau nhớ cẩn thận hơn chị nhé”.

Đã và có thể sẽ vẫn còn những chuyến tàu bị chậm trễ khiến hành khách phải chờ. Nhưng tôi chợt thấy những chuyến hành trình bằng tàu hỏa thú vị, nhẹ nhõm  hơn, bởi có những nhân viên thật đáng quý, đáng mến. Thay vì có thể giải quyết theo nguyên tắc, các anh đã có những suy nghĩ, lời nói, cách giải quyết rất linh động, có tình, mang đến cho người khác sự xúc động, cảm mến…

Quỳnh Anh